Chương 106
Hình như ông ấy biết Ngô Bình sẽ gọi cho mình nên cười nói: “Cậu Ngô, cậu đã ăn tối chưa?”
Ngô Bình hỏi thẳng: “Thanh tra Hà, đám người kia rõ ràng đã phạm tội, sao ông lại thả họ đi?”
Hà Tất Sĩ nói: “Chuyện là thế này, tôi làm vậy là hợp lý hợp pháp mà. Mễ Kiến đã ký giấy bãi nại, họ cũng đền tiền rồi nên được bảo lãnh về”.
Ngô Bình cười lạnh nói: “Không ngờ phí phạm tội bây giờ lại rẻ thế, đền ít tiền là xong đúng không?”
Hà Tất Sĩ biết Ngô Bình đang giận nên vội giải thích: “Cậu đừng cáu, tối nay cậu rảnh không? Tôi muốn rủ cậu đi uống mấy chén, Nhược Tuyết cũng đi”.
Nghĩ tới Chu Nhược Tuyết, Ngô Bình thoáng do dự rồi nói: “Được, ông chọn chỗ đi”.
Nửa tiếng sau, Ngô Bình đã xách hai vò Mao Đài đến một quán đồ nướng ở gần sông. Hà Tất Sĩ và Chu Nhược Tuyết đã ngồi chờ sẵn ở một bàn rồi, gió sông thổi hiu hiu mát mẻ.
Thấy Ngô Bình đến, ngoài ra còn xách thêm rượu Mao Đài, Hà Tất Sĩ sáng mắt lên nói: “Oa, có Mao Đài luôn à, ha ha, hôm nay được lộc uống rồi”.
Chu Nhược Tuyết mỉm cười kéo ghế cho Ngô Bình rồi cả ba cùng ngồi xuống.
Hà Tất Sĩ nói: “Cậu Ngô, tôi biết cậu thấy chúng tôi tha cho đám lưu manh kia dễ dàng quá. Nhưng tôi không có quyền quyết định chuyện này, mà là đội trưởng”.
Ngô Bình thờ ơ nói: “Nhiều khi chuyện giang hồ phải xử theo lối giang hồ, chứ gọi các ông cũng vô ích”.
Hà Tất Sĩ cười nói: “Cậu không thể nói thế được, đâu phải lúc nào cũng trắng đen rõ ràng được đâu, dần cậu sẽ quen thôi”.
Đồ ăn đã lên, tôm hùm đất ở đây khá ngon, thịt dê cũng rất đậm vị, ba người vừa ăn vừa trò chuyện.
Hà Tất Sĩ rượu vào lời ra: “Nhược Tuyết, em không còn nhỏ nữa đâu, thầy thấy cậu Ngô được đấy, hay hai người thử tìm hiểu đi xem có hợp nhau không”.
Lời nói này rất thẳng thắn, Chu Nhược Tuyết nghe xong thì đỏ bừng mặt, nói: “Thầy ơi, thầy nói gì thế ạ? Thầy say rồi”.
Hà Tất Sĩ cười lớn nói: “Còn lâu thầy mới say, cậu Ngô là người giỏi giang, chính trực, thầy thấy làm bạn trai của em được đấy”.
Ngô Bình cũng hơi lúng túng, sau đó vội lảng sang chuyện khấc: “Ông Hà, ông làm thanh tra nhiều năm rồi, đã từng gặp vụ án nào kỳ lạ chưa?”
“Vụ án kỳ lạ ư?”, Hà Tất Sĩ suy nghĩ một lát rồi đáp: “Có chứ, còn hẳn hai vụ cơ. Đến giờ nghĩ tới hai vụ án ấy mà tôi vẫn còn thấy da đầu mình tê dại”.
Ngô Bình nổi hứng hỏi: “Thế nào? Ông kể đi”.
Hà Tất Sĩ uống cạn chén rượu rồi bắt đầu kể vụ án thứ nhất.
15 năm trước, khi ấy Hà Tất Sĩ đã là một thanh tra lão luyện trong ngành rồi. Bỗng một hôm, đội ông ấy nhận được báo án, sau đó phát hiện mấy thi thể trong một căn biệt thự ven sông.
Sau khi điều tra, họ phát hiện các thi thể ấy là người một nhà, gồm mẹ, con trai, con dâu và một bé trai bảy tuổi. Gia đình họ chết rất thảm vì bị lột da rồi nằm trong vũng máu.
Điều khủng khiếp hơn là máu của họ đều bị rút hết ra ngoài rồi được vẽ thành một ký hiệu rất kỳ ạ, như bùa chú của phù thuỷ vậy.
Năm đó, vụ án này đã gây chấn động toàn tỉnh, từ bộ, tỉnh đến thành phố đều cử chuyên gia đến điều tra, nhưng không lần ra được manh mối nào cả. Sau ba năm điều tra mà không tìm được manh mối gì, họ phải tạm gác lại, đến nay hồ sơ về phụ án ấy vẫn đang được cất trong tủ chứa hồ sơ những vụ án chưa được phá.
Nghe đến bùa chú, Ngô Bình chợt nổi hứng thú rồi hỏi: “Ông Hà, bùa chú ấy trông như thế nào?”