Mùa hè năm 2002, đảo Manhattan, New York

Sao lại như thế này? “Face to the wall!”

Tôi biết “face” với “wall”, nhưng “to” là cái gì cơ chứ...?

Mà hình như, chúng còn chẳng cần biết chuyện tôi mù tiếng Anh. Ý tôi là, chúng ra tay trước cả khi cảnh báo (nếu lời kia hàm ý là như vậy).

Tất cả đều tại trò xổ số, ở phố thương mại gần chỗ tôi.

“Chuuuuuuúc mưưưưưưừng! Bạn đã trúng giải đặc biệt của chúng tôi: một chuyến du lịch năm ngày, ba đêm tới Neeeew Yooooork!”

Đi kèm với tiếng thét ỏm tỏi, hồi chuông réo rắt cũng ngân vang.

Keng-keng-keng-keng-keng...

Tôi đặt chân đến Mĩ, với tiếng chuông vẫn văng vẳng trong đầu.

Thực lòng tôi chỉ muốn giải nhì là cái máy chơi game...

Tôi băng qua một rừng nhà cao tầng, hướng tới chỗ cầu Manhattan. Tôi quyết định đến Chinatown, để thẩm định ẩm thực xứ Trung Quốc. Không biết ăn gì thì ăn mì, ai chẳng biết đấy là điều hiển nhiên?

Tên giải thưởng tuy nghe rõ hoành tráng, nhưng ngân quỹ tôi nhận chẳng là bao, thế nên tôi không được phép hoang phí. Cứ thử tưởng tượng xem, mang tiếng là dành cho hai người, nhưng tôi vẫn phải tự bỏ tiền riêng, thì mọi người cũng đủ hiểu rồi chứ?

Ở New York có một chuỗi nhà hàng cơm thịt bò kiểu Nhật, và tôi (cũng như ví tiền của tôi) thực sự rất hứng thú với nó, song biển hiệu viết bằng chữ Latin lại khiến tôi

khó chịu. Tôi mới đến chưa được có một hôm, vậy mà đã nhớ chữ kanji rồi.

Vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ thế, đôi tai tôi bất chợt thấy tiếng ồn.

Phía trong một con hẻm, năm sáu đứa trẻ con hú hét cái gì đó. Chúng bu lại một vòng, nhảy nhót với la lối đinh tai, thế nên tôi lại gần, âu cũng chỉ để nhìn rõ hơn. Rồi một đứa, nom như đứa nhỏ nhất trong đám, nắm tay tôi, hồn nhiên nhoẻn miệng cười.

“Nè, nè, nè!” thằng bé nói.

Cái gì đây?

Tôi cũng đang tò mò, nên tôi bước vào đó, xem thử phía trong có gì không.

--Này là sao? Có gì đây đâu chứ.

Định bụng bảo bọn nhỏ, tôi ngoảnh ra sau lưng. Đám nhóc kia - vẫn cười đùa phách lối - nhất loạt nhảy xổ vào người tôi.

Về phần sau...thì như tôi đã nói.

Tôi đã luôn luôn nghĩ, rằng nếu rơi vào rắc rối kiểu này, thì tôi đủ khả năng, để nhìn nhận thông suốt với giải quyết vấn đề... Nhưng cứ thử nhìn xem: Tôi đây chẳng kịp phản ứng nữa.

Tôi không biết sau đó chúng đã làm gì tôi, hay làm bằng cách nào. Lúc tỉnh ra, tôi đã nằm trên mặt đường ấm nóng, và khi dựng mình lên, đám nhóc đã chuồn từ đời nào.

Tôi tự nhủ bản thân “Cũng may là mình không bị giết,” rồi phát hiện mình mất hết tư trang... Chắc tôi cũng không được may lắm. Đáng lẽ tôi phải mừng khi còn sống, nhưng mà “Khi hiểm họa đã qua,” vân vân và mây mây. Tôi còn nghĩ “Ước gì mình đánh trả” nữa cơ. Tôi biết như vậy có hẹp hòi, nhưng chẳng lẽ tôi đây lại thua chúng?

Tôi chỉ mới bắt đầu sự nghiệp được ít lâu, với tư cách nhiếp ảnh gia hoang dã, với cần câu là chiếc máy chụp hình. Kết quả: tôi mất hết.

Mẹ kiếp, máy ảnh tao phải trăm nghìn yên đấy, có biết không?!

Tôi chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt.

Tôi không biết phải trút giận vào đâu, nên tôi đành vin vào chữ nhẫn, và liên lạc cảnh sát thông qua bên khách sạn. Nói một cách nào đó, việc phải theo hình mẫu mấy thằng Nhật khù khờ, vốn nhan nhản trong phim ảnh phương Tây, còn làm tôi phát cáu hơn việc mình bị lừa.

Phản ứng từ cảnh sát tương đối giống suy đoán của tôi.

Họ đưa cho tôi ít giấy tờ, coi như thủ tục để nhận tiền bảo hiểm. Một nhân viên khách sạn biết tiếng Nhật bập bõm đi cùng tôi, và theo lời anh này, thì với mấy vụ kiểu như tôi, cảnh sát chẳng khi nào nghiêm túc. Nếu như tôi bị thương hoặc bị súng chĩa vào chuyện có thể sẽ khác, nhưng...

Nhưng cái máy ảnh kia, với tôi là cả một kho báu. Tôi đã phải dốc hết tiền để mua, và tôi không thể mất nó được. Đến một đồng bảo hiểm, tôi cũng đâu dám chìa ra đâu.

Nếu tình hình không có gì thay đổi, thì khi hết chuyến đi, tôi sẽ về Nhật Bản, tìm cái tên đứng đầu khu mua sắm, xong dần hắn đến nhừ tử thì thôi.

Mơ đến cảnh hắn quỳ lạy xin tha, khi bị tôi chưởng những đòn trời giáng, tôi giữ vững lập trường trong vô vọng. Viên cảnh sát rất đồng cảm với tôi, nhưng không khí xung quanh như muốn nói, rằng chỗ này có bao vụ phải lo, không giết người thì cũng là trộm cắp.

Nhìn báo cáo lần nữa, xong ngẫm nghĩ hồi lâu, viên cảnh sát tóc bạc bỗng bảo tôi gì đó.

Người nhân viên thông dịch lại cho tôi, và chắc chắn anh ta bảo thế này:

“...Cậu biết đấy, để lấy lại máy ảnh, có lẽ ta vẫn còn một cách nữa. Thực lòng thì, tôi không khuyến khích đâu, nhưng...”

-----

“Ái chà chà... Hôm qua cậu hẳn vất vả lắm, đúng không?”

Tại điểm hẹn là một chàng thanh niên, với vẻ ngoài trẻ trung và hiền lành.

Tóc nâu nhạt, kính tròn. Bộ đồ công sở đúng kiểu mẫu. Nói tiếng Nhật trôi chảy, tới cái mức tôi tưởng là đồng hương, nhưng khi nhìn mặt rồi, thì tôi dám chắc là không phải, một chút thôi cũng không.

Tôi đi đến nơi này, theo cú điện từ viên cảnh sát kia. “Ở đó, cậu sẽ gặp một người đàn ông. Hãy nhờ anh ta giúp. Không cần mang theo phiên dịch viên,” ông ta nói như thế, và chẳng còn gì thêm. Tôi vẫn nhớ khi đó, ông ta mang biểu cảm rất phức tạp.

“Số cậu may thật đấy. Phụ trách cậu là trung sĩ Paul Noah; ông ta với tôi có quen biết. Nếu không nhờ ông ta, chắc cậu giương cờ trắng từ lâu rồi.”

Từ cái cách sử dụng những từ như “giương cờ trắng,” trình độ tiếng Nhật của người này rõ ràng tương đối cao. Cách phát âm cũng rất tự nhiên nữa... Dĩ nhiên, nếu so với người hiện đại thông thường, ngữ điệu nghe có hơi cổ điển chút.

“Tôi có nghe chuyện rồi. Cái đám cướp hành lí, chắc hẳn là nhóm bọn Bobby. Bọn trẻ tinh nghịch đấy, dạo gần đây hay lai vãng chỗ này.”

...Cái lũ đấy mà chỉ “tinh nghịch” thôi?

Có gì rất mờ ám ở người đàn ông này. Chắc anh ta là thám tử gì đó, nhưng không khí xung quanh cứ như muốn mách bảo, rằng anh ta có điều muốn che giấu.

Cơ mà, được nghe một ai đó nói tiếng mẹ đẻ thôi, với tôi cũng an tâm lắm rồi.

Suy nghĩ ấy không kéo dài được lâu.

“Này được không? Xem nào...đổi lấy mười phần trăm giá trị chỗ hành lí, tôi sẽ ‘đàm phán’ với bọn kia, và hoàn trả vẹn nguyên như ban đầu.”

...À, ra thế. Có vẻ chính anh ta mới là kẻ cầm đầu. Đổi lấy việc chỉ nhận mười phần trăm, mọi sự sẽ diễn ra trong êm ả, đỡ tốn công đổi sang tiền mặt nữa.

Thôi thì, mười phần trăm vẫn cứ là tốt chán, tôi cho là như vậy. Tôi chấp nhận đề nghị của anh ta, dù trong bụng vẫn giữ niềm nghi hoặc.

"Thống nhất là vậy nhé.”

Và thế là, cái người đó bắt đầu dẫn tôi đi.

Nội tạng tôi chắc sẽ còn nguyên nhỉ? Không bị ai đem đi bán đấy chứ? Nỗi khiếp đảm bỗng chợt lướt qua tôi, và tôi tự dặn mình, rằng nếu bị dẫn đi chỗ nào khả nghi dù một tí, tôi sẽ gào thật to, xong rồi thục mạng chạy.

Nhân tiện thì: Đem nội tạng người mình giết đi bán, đấy có phải buôn người trái phép không?

Đang vẩn vơ với mấy chuyện vặt vãnh, anh ta bỗng dẫn tôi, tới quán rượu nào đó nép mình trong đại lộ.

Biển hiệu quán có hình cái tổ ong. Trên hình là kí tự nào đấy, nhưng tôi đọc không nổi, nên để tiện về sau, chắc tôi sẽ gọi nó là quán "Tổ Ong" vậy.

Hương mật ong lan tỏa khắp trong quán. So với lại bên ngoài, phía bên trong nom tương đối rộng rãi. Đúng ra thì, nơi này giống nhà hàng cao cấp hơn, chứ không chỉ là môt quán rượu nữa.

Mong anh ta không định mổ bụng mình.

Tôi đảo mắt nhìn quanh, và tuy thấy vài người hơi không giống công dân gương mẫu, song tôi cũng thấy cả người già, trai gái lẫn gia đình có trẻ con, thế nên tôi đành thả lỏng chút.

Người dẫn đường cho tôi, anh ta đến đằng cuối, nói đôi lời với một người đàn ông. Không đáp lấy nửa lời, người đó gật đầu rồi đứng lên, rời đi mà chẳng mang theo gì. Thậm chí còn không trả tiền ăn.

“Tôi mới giao việc cho anh ta. Giờ anh ta sẽ đi lấy lại nó. Dân ở đây biết mặt lũ nhóc rồi. Tôi không nghĩ tìm chúng mất nhiều thời gian đâu.”

Hay lắm. Tôi biết ngay anh cũng nhúng tay mà...

Dĩ nhiên, tôi không nói thành tiếng.

“Chà, trong lúc ngồi đợi đây, sao ta không trò chuyện một chút nhỉ?”

Lời mời hết sức là thành tâm, nhưng tôi lại chẳng biết nói gì. Vậy nên, để mào đầu, tôi hỏi sao anh ta thành thạo tiếng Nhật thế.

“À, cái đó à. Đứng đầu tổ chức tôi, có một ông chú là người Nhật... Tên ông ấy là Yaguruma-san; ông ấy có dạy tôi kha khá. Với cả, tôi tự học về ngữ điệu thời nay, từ phim ảnh với truyện tranh bên Nhật.”

Tổ chức? Anh ta là Mafia, hay là gì đó kiểu như thế? Đã đến tận nước này, giờ tôi cũng chẳng mấy sợ hãi, và có là Mafia hay gì, tôi cũng không quan tâm. Thế nên, tôi liền thẳng thừng hỏi.

“Không, không phải Mafia. Thường bọn tôi cũng hay bị nghĩ thế, nhưng thực tế... bọn tôi là Camorra. Cậu từng nghe rồi chứ?"

Tôi chưa nghe cái từ đó bao giờ.

“Mafia có nguồn gốc từ Sicily, một tỉnh thuộc Italy. Tiền thân là các nhóm cảnh vệ vũ trang ở nông thôn... Camorra cũng đến từ nước Ý, nhưng lại bắt nguồn từ Naples. Họ thành lập tổ chức trong nhà tù, song chính tôi cũng không dám chắc mấy.”

Thành lập ở trong tù. Chỉ từ cái đó thôi, tôi đã nghĩ bọn chúng còn dơ bẩn hơn nhiều, song tôi nghĩ đâu để người nào nghe.

“Trong tổ chức, tôi đảm nhận chứ contaiuolo, tức thủ quỹ. Nói cho đúng thì, tôi giống người giữ sổ sách hơn... Đối với Mafia, kế toán viên sẽ phụ trách vụ này.”

Tôi chẳng thấy khác nhau chỗ nào hết.

“Ha-ha... Bởi người ta quy hết thành Mafia mà. Mafia buôn ma túy, Mafia Tàu, Mafia Nga, Mafia buôn lậu... Nhưng ở riêng Naples, Camorra mới là chiếm ưu thế. Có điều, tổ chức bọn tôi lại hơi khác: Không những thành lập tại Hoa Kì, mà còn không liên hệ trực tiếp tới Naples."


Anh ta còn kể thêm đủ thứ, song tôi hầu như chẳng hiểu gì. Đến băng nhóm ở xứ sở quê hương, tôi còn chưa chạm mặt lần nào hết. Và một thành viên Camorra - người sống trên mặt tối của xã hội - đang ngồi trước mặt tôi. Đơn giản là nghe quá phi lí.

“Như vậy bình thường mà. Ngay với người dân New York đây, tôi cũng có thể khẳng định rằng, chưa đến một phần trăm số đó từng gặp Mafia. Khẳng định trên vẫn đúng, với những ai từng bị chúng hãm hại. Tôi là một người khá thẳng thắn, và với những người như cậu đây, đôi khi tôi cũng tự giới thiệu. Có điều, đến ngay con số đó, cũng chỉ là phần nhỏ trong phần trăm đó thôi.”

...Nghiêm túc nhé. Vậy tức là anh muốn tôi làm sao? Rớt nước mắt vì vận may này hả?

Nói vậy thôi, chứ trong thời gian ấy, tôi đã bị thôi miên từ bao giờ, bởi kĩ năng giao tiếp của anh ta. Chẳng biết nên tả sao cho chuẩn nữa. Cứ như thể tôi đã quen biết anh ta từ đời nào... Dù tại thời điểm đó, chẳng người nào biết tên của người kia.

“Mà.. Thực ra thì có thể hơn thế, song những người từng đụng độ Mafia, chẳng mấy ai lại đi khoe khoang hết. Cậu biết mà, đúng không?”

Cái này trên phim ảnh có nói. Đại để thì nó giống omertà, “luật im lặng,” biểu hiện khi vờ như không thấy hành vi phạm tội từng diễn ra, bởi nỗi sợ đối phương sẽ trả thù.

Nhưng nếu thế... Sao người này lại tự huỵch toẹt ra, với một gã anh ta chỉ mới gặp?

“Ha-ha... Đơn giản là, luật lệ chúng tôi khá thoải mái, không như những tổ chức ngoài kia. Và chúng tôi cũng không đụng mấy trò phạm pháp...

Có một số, chẳng hạn Mafia vùng Sicily, phải che đậy thân phận bằng mọi giá, nhưng mà Camorra - cùng với Mafia Mĩ, từ cách đây rất lâu - lại thường chẳng giấu giếm gì ai. Ông trùm còn tự thân thực hiện phỏng vấn nữa.”

Vậy các anh chỉ khoe mẽ là giỏi? Khi tôi hỏi câu ấy, một thoáng im lặng bỗng trôi qua, rồi anh ta ngặt nghẽo phá lên cười.

Cười được một hồi xong, anh ta nhìn tôi đầy thích thú, và tiếp tục câu chuyện đang bỏ ngỏ.

“...Cậu cũng có gan đấy. Dám nói vậy với một Camorra... Không sợ bị giết à?”

Không.

“Hay cậu nghĩ tôi chỉ lừa bịp thôi?”

Không. Cho dù anh nói dối đi nữa, thì cũng đâu phải nhọc công như vậy?

“Cậu lạ lùng thật đấy. Lúc tôi nghe kể về từ Paul, tôi cứ nghĩ cậu đây là thằng khờ.”

Ai mượn anh quan tâm? Với cả, nếu như anh thạo tiếng Nhật đến thế, thì gọi người lớn hơn cho chuẩn vào; dùng “-san” ấy. “Paul-san,” kiểu như vậy. Người Mĩ như các anh, tuy có thể không nặng chuyện tuổi tác, nhưng gọi đúng người ta, ấy là phép lịch sự tối thiểu... Hay ít ra, quyển hướng dẫn du lịch nó nói thế.

Khoảnh khắc ấy, tôi còn không ngờ rằng, lời nói vu vơ kia lại chính là cánh cửa, tới chương mới trong cuộc đời của tôi.

Phải sau một khoảng lặng còn dài hơn ban nãy, người đàn ông mới chặc lưỡi thì thầm.

“Sự tình cờ...quả thực là hấp dẫn. Không sai vào đâu được.”

Anh ta nói gì thế cơ chứ? Trong lúc tôi ngây người, anh ta cười tươi rói, một nụ cười gần như là thơ ngây. Tựa đứa trẻ vừa có đồ chơi mới, hoặc là đang dàn dựng một trò đùa, và nó hướng thẳng về phía tôi.

Rồi nhìn tôi một cái, như tự hỏi có nên tiết lộ không, anh ta hạ giọng xuống và đáp.

“Paul trẻ hơn tôi.”

Ồ... Hả? Đợi đã, anh vừa nói gì cơ? Tôi không biết anh nhìn nhận như nào, nhưng cái ông già đó, tôi khá chắc là phải quá năm mươi... Có phải ông ta già trước tuổi, hay đơn thuần gì đó như vậy không?

“Ái chà, về chuyện đó... Quay lại chủ đề mới nói đi: Suốt sáu mươi năm qua, đã có khoảng tầm một trăm người. Những người được nghe nói, về thân phận Camorra của tôi, ý tôi là như vậy. Không bao gồm cảnh sát hay người biết trước kia, nhưng mà... Nói chung ấy, nếu không có mấy chuyện kiểu này, thì mấy người thành thực như cậu ấy, tôi cũng chẳng có dịp làm quen đâu. Ha-ha.”

Tôi nghĩ là mình mới nghe lầm. Sáu mươi năm. Người trước mặt tôi đã... Tôi không giỏi đoán định tuổi người ta, nhưng anh ta còn trông chẳng giống đã ba mươi nữa là.

Thấy ánh mắt đăm đăm đầy ngỡ ngàng của tôi, anh ta chỉnh gọng kính, tông giọng thấp thoáng vẻ ngượng ngùng:

“Sự thật là, cậu thấy đấy, gọi tôi là bất tử cũng không sai. Không gì giết tôi được.”

A ha ha. Vậy ra đây là trò đùa kiểu Mĩ.

“Ồ, có vẻ như cậu không tin tôi. Tôi đang nói thật đấy: Cậu có thể đâm chém hay thiêu tôi, và tôi vẫn sẽ sống.”

Tôi nghe là bên Mĩ đùa rất dai.

Tôi đáp trả cho có, và anh ta, miệng vẫn nhoẻn miệng cười...

...rút con dao trong túi, rồi đâm vào bàn tay.

Trong một thoáng, tôi còn không sao hiểu chuyện gì. Từ chỗ ngậm lưỡi dao, máy đỏ bắt đầu nhỏ giọt xuống. Tôi chỉ biết lặng thinh, song người đàn ông lại bật cười.

“Không phải lo... Nhìn này.”

Anh ta từ từ rút lưỡi dao. Tôi cứ tưởng máu sẽ văng tung tóe, nhưng không nhìn thấy giọt máu nào.

Diễn ra trước mắt tôi, là một chuyện còn khó tin hơn thế.

Những giọt máu vừa nhỏ xuống mặt bàn... chúng bắt đầu rung rinh, như thể tự thân có sự sống... và lao vụt trở lại miệng vết thương, không khác gì trở lại với vật chủ. Khi toàn bộ bay biến, miệng vết thương cũng tự khép lại theo. Trên mặt bàn, căng mắt ra cũng không nhìn thấy máu.

Nếu bắt gặp trên màn ảnh không hơn, chắc tôi hẳn sẽ làm lơ nó, coi nó là thứ kĩ xảo ba xu. Có điều, không may thay, chính tôi đây lại được thấy tận mắt.

Sự bất tuân trọng lực của địa cầu, lẫn tốc độ hồi phục nhanh khó tin, chúng giả tạo đến nỗi không một công nghệ nào theo được. Cảnh tượng vốn kì quái, giờ có chúng lại càng đáng sợ hơn.

Tôi chợt nghĩ, rằng ở tại nơi này - mà không, phải trên toàn thế giới - ngoài tôi ra, có khi chẳng còn ai lại được chứng kiến cả. Ngay tại đây, trong cái nhà hàng sang trọng này, vừa có một cá nhân đạp đổ quy luật của vật lí.

...Vậy mà không người nào, khách hàng hay nhân viên, để mắt về phía bọn tôi cả.

Mất một hồi suy nghĩ, tôi quyết định mở lời. Với gì đó... đang ở trước mặt tôi.

Anh định giết tôi chứ? Tôi hỏi anh ta vậy.

Người đàn ông nom chừng hơi bỡ ngỡ. Trấn tinh xong, anh ta lại mỉm cười.

“Chưa ai dám phản ứng như cậu đâu. Trước giờ ấy, nếu có ai nhìn thấy cảnh tượng này, giả không làm vội dấu thánh giá, thì cũng là rút súng ra bắn tôi... Dĩ nhiên, cảnh sát thì luôn chọn phương án cuối. Tội nghiệp thay; tôi nghĩ vậy có hơi cay nghiệt quá. Nghĩ lại thì, cái lúc tôi rút dao, cũng có người bỏ chạy luôn thì phải.”

Ờ, tất nhiên.

“Sao cậu nghĩ là tôi sẽ giết cậu?”

Bởi tôi nghĩ anh là quái vật thôi, tôi thành thực đáp thế. Rồi xin lỗi vì đã nghĩ không hay, tôi cũng nhắc nhở rằng, bất kể có là thật hay không, thì cũng đừng hù dọa ai như thế.

“...Quả nhiên cậu đúng là lạ lùng. Chưa ai lại điềm tĩnh vậy trước đây.”

Nói “vô cảm” có khi đúng hơn đấy. Người ta thường nói vậy về tôi, song cái lần suýt về nơi chín suối, bởi một con gấu nâu Hokkaido, đã làm tôi miễn nhiễm sợ hãi rồi. Tôi từng được khuyên là nên trở thành nhiếp ảnh gia chiến tranh, nhưng chiến trường thì lại nguy hiểm quá, thân tôi đây làm sao mà sinh tồn. Mà tôi thì muốn sống, nên cuối cùng, tôi lựa chọn làm việc với thiên nhiên.

Nghe tôi thuật lại thế, anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi. Có vẻ anh ta rất hứng thú.

“Cậu cũng có tài kể chuyện đấy... Nghe này, sẵn tiện đang ở đây, muốn nghe kể chút chuyện ngày xưa chứ? Về cách tôi đạt được sự bất tử, và những chuyện lạ lùng xoay quanh đó... Một cách để giết thời giờ thôi.”

Quả thực nghe chừng rất hấp dẫn... Nhưng kể lại cho tôi có ổn không? Chúng ta mới quen biết thôi mà.

“Không sao đâu. Cậu có kể cho người nào đi nữa, thì cũng chẳng có ai chịu tin đâu."

Không một chút kiêng dè, tôi rào trước anh ta, rằng không nên đề cập quá nhiều tới tôn giáo. Có một người bất tử trước mặt tôi, mà sao tôi vẫn cứ điềm tĩnh nhỉ? Quả nhiên tôi đích thị là tên ngốc.

“À, đừng lo. Không liên quan gì đến tôn giáo cả. Tôi chỉ muốn một chút giải khuây thôi... Mặc dù theo tôi nhớ, thì có một con quỷ cũng góp phần.”

Người tự xưng mình là contaiuolo, một người mà chắc chắn đã trở nên bất tử, gọi món từ nhân viên, và bắt đầu “truyền thuyết” của riêng mình.

“Được rồi. Thế tôi bắt đầu nhé... Đây là chuyện về một người đàn ông, người đã uống thứ rượu của loài quỷ, và qua đó sống mãi với thời gian. Cả một thiên truyện dài, rất rất dài, về số phận cô độc khốn khổ ấy. Sân khấu của chúng ta, là New York trong thời kì cấm rượu. Nội dung câu chuyện ấy, là vòng xoáy xoay quanh 'thuốc trường sinh,' cũng với những cá nhâ bị cuốn vào...”
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện