Tuy đã nắm bắt được Nguyễn Đăng Toản, nhưng đám quý tộc tại thành Bạch Đế vẫn không dám chủ quan. Dẫu sao, đối thủ của bọn họ là Bích Mặc tiên sinh. Không ảnh hưởng trực tiếp được Nguyễn Đông Thanh, đương nhiên là hào môn, sĩ tộc cùng đám quan lại địa phương phải đi vòng, tìm cách gián tiếp ảnh hưởng y. Những kẻ có thể đi làm thuyết khách, đến phủ Khai Phong đàm phán, thương lượng được với Bích Mặc tiên sinh ở Huyền Hoàng giới cũng không nhiều, nếu không bỏ gần tìm xa thì đương nhiên chỉ còn một người: Hồ Ma Huyền Nguyệt.

Hồ Ma thành chủ rất muốn khóc. Bích Mặc tiên sinh đấu với Đế Mộ, mụ bị kẹt ở giữa. Bích Mặc tiên sinh đấu với triều đình, mụ tiếp tục bị kẹt ở giữa. Hiện giờ Bích Mặc tiên sinh đấu với hào môn sĩ tộc, vẫn cứ là mụ sứt đầu mẻ trán, chạy ngược chạy xuôi khắc phục hậu quả. Cái chức thành chủ này cũng quá khó làm!

Ấy là chưa kể, cái đám hào môn sĩ tộc này nếu giỏi thật thì trực diện đi đối mặt với Bích Mặc tiên sinh đi, tại sao trước mặt thì trốn tránh, sau lưng lại đẩy mụ ta lên đầu sóng ngọn gió? Nhưng uất ức thì uất ức vậy, chứ Hồ Ma Huyền Nguyệt cũng chẳng thể làm gì khác hơn là đi làm thuyết khách. Dẫu sao, bao năm nay, mụ hưởng không ít lợi từ đám hào môn, sĩ tộc này. Nếu thật sự trở mặt, mụ cũng sẽ không được yên ổn. Lại nói, nếu Bích Mặc tiên sinh thực sự làm cứng, chỉ sợ cái thành Bạch Đế của mụ cũng rơi vào cảnh gà bay chó sủa. Thế là, Hồ Ma thành chủ cũng chỉ đành ôm một bụng đầy những tâm tư phức tạp đi gặp mặt Nguyễn Đông Thanh.

Thấy sếp trực tiếp đến, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta đương nhiên cũng không thể chậm trễ trong việc tiếp đón. Hai người chia chủ khách ngồi xuống, đợi người hầu dâng trà lên xong xuôi, Nguyễn Đông Thanh liền hỏi:

“Thành chủ đến đây hôm nay phải chăng là vì nhận sự ủy thác của sĩ tộc trong thành?”

Ra làm quan một thời gian, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cũng không còn là tên gà mờ của trước đây. Tuy gã vẫn chưa thể vỗ ngực tự nhận có thể nhìn thấu mọi âm mưu, thủ đoạn trong cái giới chính trị cong cong nhiễu nhiễu này, song cũng đã đủ kinh nghiệm để đoán biết cách hành xử của những đối thủ trực tiếp của bản thân. Hiện tại hắn điều hắn muốn làm khiến đám người kia đứng ngồi không yên, song chúng lại ngại không dám đối đầu trực diện, nên đi vòng qua cấp trên của hắn hiển nhiên là nước cờ sáng suốt.

Về phần tại sao người ta sợ gã, Nguyễn Đông Thanh cũng biết nếu không phải là việc với Phật đạo, thì hẳn là vì tầng quan hệ với phụ huynh cổ viện. Tuy gã tự hiểu lấy bản thân mình, biết rõ một đằng là gã “có tiếng không có miếng”, một đằng là “cáo mượn oai hùm”, nhưng tính sao? Đằng nào có thanh minh cũng chẳng ai tin, lại đã hứa hẹn với người từng giúp mình. Nếu đằng nào cũng không thay đổi được thực tế như vậy, còn không bằng lợi dụng chính điểm ấy để kiếm lợi, giúp cho công việc hiện tại của hắn.

Lại nói, trong thời gian gần đây, cả vi hành lẫn cho người đi nghe ngóng, Nguyễn Đông Thanh cũng hiểu lý do lớn nhất khiến người dân lo lắng sợ sệt, là không biết số phận họ sẽ đi về đâu nếu hắn rời đi. Chính bản thân Bích Mặc tiên sinh còn chả biết hắn sẽ ở đây làm Chưởng Ấn trong bao lâu. Thế nên, một trong những mục tiêu lâu dài mà gã tự đặt ra cho mình là tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống, để một ngày, kể cả nếu hắn không còn ở đây nữa, thì chỉ cần người kế nhiệm có lòng, dân chúng cũng sẽ không phải chịu khổ. Mà muốn làm việc này, có được sự e dè, sợ sệt của hào môn, sĩ tộc ngược lại là điều tốt.

Nghe câu hỏi của Nguyễn Đông Thanh, Hồ Ma Huyền Nguyệt khẽ thở ra một hơi, nói:

“Tiên sinh đoán không sai. Ta cũng biết ngài tức giận, muốn một công đạo cho dân chúng. Nhưng nếu ngài làm quá căng, e là sẽ ảnh hưởng đến căn cơ thành Bạch Đế. Hiện tại còn đang là buổi chiến loạn, vẫn mong tiên sinh giơ cao đánh khẽ!”

Hồ Ma Huyền Nguyệt nói cũng là lời thật lòng. Nếu Nguyễn Đông Thanh thật sự làm căng, tr.a kỹ, rồi lôi tất cả những kẻ có tội ra xử hàng loạt, thì chỉ sợ thành Bạch Đế sẽ thiệt hại nặng nề, cả về của cải lẫn nhân lực. Nếu vậy, những ngày tháng trước mặt sẽ khó qua đến mức nào Hồ Ma thành chủ thực không muốn nghĩ tới.

Mà kỳ thực, những lo lắng này của họ Hồ Ma cũng đã được Nguyễn Đông Thanh nghĩ đến. Gã cũng không phải loại người lỗ mãng, không suy nghĩ trước sau. Nếu không, cũng đã không phải tốn công suy tính lo lắng nhiều như vậy, mà cứ kéo quân triều đình xuống càn là xong rồi.

Song, làm người phải có điểm mấu chốt. Có những việc Nguyễn Đông Thanh có thể vì nể mặt Hồ Ma Huyền Nguyệt mà nhượng bộ lùi bước, nhưng có những việc hắn vẫn không thể bỏ qua nếu muốn thực hiện mục tiêu lâu dài của mình.

Thế là, Bích Mặc tiên sinh nói:

“Thành chủ, việc ngài nói tại hạ cũng đã có suy nghĩ tới. Tại hạ có thể nể mặt ngài mà nhượng bộ, không đến tr.a cứu từng nhà danh sĩ. Thế nhưng, việc bọn chúng sẽ sống yên ổn hay là phải ch.ết không phụ thuộc vào bản thân tại hạ.”

“Ý của tiên sinh là...?”

“Ý của tại hạ là, pháp có nghiêm thì mới có thể phục được chúng. Trước vương pháp, tất cả mọi người đều là bình đẳng. Thế nên, nếu đầy đủ nhân chứng vật chứng, tại hạ sẽ theo luật mà làm. Tuyệt đối sẽ không vì thân phận hay địa vị một người mà thay đổi phán quyết.”

Nguyễn Đông Thanh thực ra cũng biết, đến cả ở thời hiện đại, cũng không thiếu trường hợp oan khuất do pháp luật không rõ ràng hoặc không nghiêm minh, chứ chả riêng gì thời cổ. Luật nếu không rõ ràng, người thi hành luật muốn nghiêm minh cũng khó. Luật rõ ràng nhưng người thi hành luật không anh minh, cũng sẽ nảy sinh lỗi lầm. Nếu vậy, sẽ không phục được chúng.

Hồ Ma Huyền Nguyệt nghe nói vậy mà giật mình. “Trước vương pháp, tất cả mọi người đều là bình đẳng”? Nếu là kẻ khác nói câu này, Hồ Ma thành chủ đảm bảo sẽ không tin, có khi sẽ còn cười nhạo kẻ kia vô tri. Dẫu sao, xưa nay kẻ có tiền, có quyền, có mấy ai sẽ đánh đồng bản thân với thứ dân? Thế nhưng Bích Mặc tiên sinh là ai? Thằng cha này viết ra Bao Công, với câu nói mà đến giờ các thuyết thư tiên sinh đều thuộc làu làu, “thiên tử phạm pháp, xử như thứ dân”. Thế nên, nếu là Nguyễn Đông Thanh nói, không chừng hắn sẽ làm được thật. Mụ còn đang lo lắng, lại nghe Bích Mặc tiên sinh nói tiếp:

“Vậy nên, nếu trong tương lai đám người này còn tiếp tục làm phiền thành chủ, thì xin ngài hãy chuyển cáo tới chúng một câu nói:

“Sống cho tử tế vào, đừng để tại hạ bắt được cái đuôi của bọn chúng!”

Hồ Ma Huyền Nguyệt lần nữa nhìn về phía kẻ đang ngồi đối diện. Gương mặt góc cạnh không tuấn tú, chỉ có thể nói là thường thường bậc trung, song đôi mắt gã hiện giờ giống như đang phát sáng. Y thị chợt thở dài, nói:

“Tiên sinh lý giải thế nào về ‘pháp’?”

“Thành chủ dường như không đồng tình với tại hạ. Xin được lắng tai nghe.”

Hồ Ma Huyền Nguyệt nói:

“Pháp... xét về bản chất chính là quy tắc. Người trong bộ lạc phân chia con mồi dùng đến quy tắc, người trong một nước ai làm việc gì, cũng là một loại quy tắc. Có quy tắc thì có tôn ti. Có tôn ti thì có trên dưới quý tiện. Từ xưa đến nay, cuối cùng vẫn là kẻ mạnh định ra luật lệ, quyền thế nắm giữ quy tắc. Tiên sinh lại muốn đưa quy tắc vào tay dân thường, lấy đó làm ngọn giáo để đâm về phía thượng cấp, khó tránh khỏi dĩ hạ phạm thượng. Tôn ti một khi sụp đổ, cũng không thể nào có nước có nhà.”

Ngừng một chốc, y thị lại tiếp:

“Càng huống hồ, lấy gì đảm bảo dân thường sẽ không lạm dụng ngọn giáo ngài đưa cho họ?”

Nguyễn Đông Thanh đáp:

“Lời của thành chủ tại hạ không dám gật bừa. Có câu ‘quân vô hí ngôn’, quy tắc phải ổn định, luật lệ phải nhất quán mới có thể tạo thành tôn ti thứ bậc. Nếu có một người hoặc một nhóm áp đảo phía trên ‘pháp’, hôm nay đổi một điều, ngày mai sửa một chữ, há không khiến tôn ti sụp đổ càng nhanh hay sao?”

Gã đặt tay nhấc chén trà lên, khẽ nhấp một ngụm cho nhuận họng, dáng vẻ hoàn toàn khác với cái điệu bộ uống hùng hục như trâu ngày thường. Đoạn, Bích Mặc tiên sinh mới tiếp:

“Lại tỉ như hình dung của thành chủ, Thanh cũng thấy chưa thỏa đáng lắm. Tại hạ không muốn luật pháp trở thành vũ khí của người dân, thế nhưng ít nhất, nó phải là tấm khiên chắn của trăm họ khỏi thượng tầng, không để kẻ có tiền có quyền muốn làm gì thì làm. Không dám nói có thể kín không kẽ hở, nhưng có tấm áo che thân vẫn hơn trần truồng trước gió. Hồ Ma thành chủ nói có đúng không?”

Hồ Ma Huyền Nguyệt nghe gã nói, giống như “hiểu ra” vì sao vị Bích Mặc tiên sinh này rõ ràng có sức mạnh lật đổ Ngũ Lộ Triều Thiên, lại vẫn kiên quyết làm việc theo nguyên tắc, không tiêu dao pháp ngoại, tùy tâm sở dục.

Hai lần động thủ kinh hoàng nhất, có lần nào không phải Nho môn, Phật môn chủ động chìa đại đạo ra trước mặt gã trước? Thở dài một tiếng, y thị đứng lên, nói:

“Lời của tiên sinh ngài, ta sẽ thay tiên sinh nói lại cho hào cường sĩ tộc trong thành. Vẫn xin tiên sinh vì thành Bạch Đế cân nhắc nhiều hơn, chớ vì tức giận nhất thời mà liên lụy trăm họ.”

“Thành chủ đã có lời, không dám không nghe. Tại hạ tiễn ngài một đoạn.”

oOo

Trong giai đoạn gần đây và sắp tới, truyện sẽ đi vào một giai đoạn gọi là đại tranh chi thế (hint từ arc Kiếm Vực), nên nvp xuất hiện rất nhiều, cũng có ảnh hưởng lớn đến cốt truyện chính. Nếu phải so sánh thì đây là giai đoạn “trước đại chiến Xích Bích”, “trước Cơ Xương rời Triều Ca” của truyện. Nên anh em nếu còn theo dõi thì cứ sử dụng phần "nhân vật" của truyenyy để tr.a cứu cho tiện.

Anh em ai đọc thấy hay thì like, comment, và đề cử ủng hộ nhóm tác giả ạ! Nếu truyện được ủng hộ nhiều likes mà tồn cảo đủ, nhóm tác sẽ cố gắng đăng nhiều chương hơn mỗi tuần!

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện