Nguyễn Đông Thanh nói:

“Lã công tử quả là nghe một mà hiểu mười. Quả thực là hai chuyện này có chút liên quan.

“Người biết chứ có thể đọc báo. Song những người không biết chữ hoặc không có thời gian thì cách hiệu quả hơn chính là nghe tuyên truyền. Mà tại hạ nói đài, chính là ý nói chung chung các biện pháp phát thanh này.”

Nguyễn Đông Thanh nói đến đây thì ngừng lại một chút để suy nghĩ tổ chức ngôn từ sao cho dễ hiểu nhất đối với những người có mặt.

Kể từ khi bắt đầu nhậm chức quan Chưởng Ấn, gã cũng đã dần bỏ tâm thái “không quan tâm gì đến những thứ đồ vật hắn đằng nào cũng không thể dùng được”. Nhất là kể từ sau cuộc gặp gỡ với Hoắc Trường Ca với nhận ra bản thân có thể bị một thế lực rất khủng bố sau màn nhắm tới, thì Bích Mặc tiên sinh của chúng ta lại càng nhận thức rõ sai lầm trong suy nghĩ trước đây của mình. Thành thử, dạo thời gian này, gã cũng đã bắt đầu làm quen, tìm hiểu rất nhiều thứ thuộc về thường thức của Huyền Hoàng giới. Lại nói, trước đây Nguyễn Đông Thanh một thân một mình, có biết về những thứ này thì cũng chẳng cần, có cơ hội, hay có khả năng sử dụng được chúng. Song, bây giờ thì khác. Gã không dùng được những tiện ích tối cơ bản cần đến chân khí, nhưng cấp dưới của gã dùng được. Cho nên, biết có thể dùng gì ra sao nghĩ kiểu gì cũng đã trở thành điều cần thiết.

Nguyễn Đông Thanh nói:

“Nói một cách dễ hiểu, thì tại hạ nói tới một vật có nguyên lý truyền âm trong thời gian thực như ngọc giản truyền âm, nhưng thay vì chì có thể một người nhận tin bằng chân khí, thì lại có thể truyền đến nhiều điểm nhận, lại phát được âm thanh ra ngoài như cách lưu ảnh thạch có thể chiếu hình ảnh ra ngoài cho phàm nhân xem.”

Ngưng một chốc, gã lại nói tiếp:

“Và, xét tới mục đích trước mắt của chúng ta, thì có lẽ còn cần cả chức năng khuếch đại âm thanh như của Long Khiếu.”

Long Khiếu chính là một trong những vật dụng tại thế giới này mà Nguyễn Đông Thanh đọc được trong thời gian gần đây. Theo như ghi chép, thì nó có tác dụng tựa như cái loa cầm tay ở Địa Cầu.

Tương truyền, năm xưa khi đánh Bạo Long, Lê Thái Tổ thấy tiếng long ngâm có hại đối với tâm thần cũng như sĩ khí quân mình, thế nên mới nghiên cứu khí quản của một bạo long đã ch.ết trận, phỏng chế ra một thứ đồ gọi Long Khẩu, có chức năng khuếch đại những âm thanh đơn giản. Về sau đến đời Lê Thánh Tông thì Lê Hạo Thanh chỉnh sửa lại tác phẩm của cha, tuy làm giảm độ vang vọng của Long Khẩu, nhưng lại khiến nó có thể khuếch đại các âm tiết phức tạp một cách ổn định hơn. Long Khẩu từ đó đổi tên thành Long Khiếu, thường được tướng lĩnh trong quân dùng để đọc hịch và chỉ huy quân đội từ xa.

Song, cũng phải nói, cho dù Long Khiếu có tồn tại từ thời thái tổ thì e là cũng không có chỗ sử dụng. Phải biết, Lê Đồ Thành cầm quân khi ấy thường xông pha trước nhất. Thế nên, ngoại trừ cần khuếch đại mấy tiếng gầm gừ, gào thét của lão để phản công lại tiếng long ngâm cũng như tăng sĩ khí quân dưới trướng, hay phóng to mấy tiếng thóa mạ, chửi bới để giảm sĩ khí địch nhân ra, thì lão còn cần tập trung vào đánh nhau, hơi sức đâu mà quản chuyện khác? Thành thử, đối với Lê Đồ Thành, thì cần âm thanh vang vọng càng xa càng tốt, nhưng lại không cần quá rõ ràng từng âm tiết. Còn đến thời Lê Hạo Thanh, Thánh Tông có cách cầm quân khác tiên phụ, thường là thủ trung quân, có cái nhìn toàn diện, chỉ huy toàn cục. Thế nên mới cần cải tiến Long Khẩu thành Long Khiếu, để đọc hịch nâng sĩ khí binh lính trước trận đấu, lại khuếch đại mệnh lệnh trong chiến trận.

Quay lại kể tiếp chuyện ở hậu viện phủ Khai Phong. Nguyễn Đông Thanh vừa rồi ngẫm lại, thấy chuyện chế tạo ra hẳn đài nhỏ rồi bán hay phân phát cho người dân quá ư là phức tạp, cồng kềnh, nên mới nghĩ hướng “loa phường” cho tiện. Về phần mấy người Cố Văn, nghe xong yêu cầu của Bích Mặc tiên sinh thì họ đều thoáng ngẩn ra, song ngay sau đó thì ai nấy đều vô cùng hứng thú. Cố sư gia nói:

“Diệu! Quá diệu! Tại sao trước nay không ai nghĩ đến một vật như vậy?!”

Dư ngỗ tác cũng vỗ tay tán đồng:

“Quả nhiên là tiên sinh đã nghĩ đến cả trăm họ không đọc thông viết thạo, nào có như ai đó?”

Duy chỉ có Hàn Thu Thủy là đang cau mày. Lúc này, cô nàng lại không để ý tới lời móc mỉa của Dư Tự Lực, lên tiếng hỏi:

“Tiên sinh, vật ngài nói muốn truyền và nhận được âm thanh, lại phát phóng đại ra ngoài, vậy thì có cần một người ở đầu nhận túc trực hay không?”

Dư Tự Lực toan lên tiếng phản bác, song không hiểu nghĩ gì lại tự ngăn bản thân lại. Nguyễn Đông Thanh nghe hỏi vậy thì cũng giật mình, nhưng rất nhanh chuyển thành mừng rỡ, hỏi:

“Cô nương có cách để không cần có người đứng nhận sao?”

Hàn thị vừa rồi cũng chỉ là ngờ ngợ vì các yêu cầu của Nguyễn Đông Thanh gần đây đều rất đề cao “tự động hóa” giảm thiểu sự cần thiết của “người trung gian”, nên mới lên tiếng hỏi. Song, nghe được câu Bích Mặc tiên sinh hỏi lại thì toàn thể thành viên phủ Khai Phong đều hiểu được đại nhân nhà mình thật sự mong muốn như vậy. Mà Dư ngỗ tác cũng thầm kêu may mắn vừa rồi không vì hơn thua với Hàn Thu Thủy mà mồm nhanh hơn não, nếu không hẳn đã tự bêu xấu trước mặt tiên sinh rồi.

“Tiểu nữ còn tạm thời chưa nghĩ ra cách cụ thể. Vẫn cần xin tiên sinh chỉ giáo.”

Nếu bảo nghe vậy mà Nguyễn Đông Thanh hoàn toàn không thất vọng thì chắc chắn là giả. Song, gã rất nhanh tự xốc lại tinh thần, nói:

“Cũng không đến mức chỉ giáo, chỉ là tại hạ thấy có vài gợi ý có thể sẽ hữu dụng về hướng mà chúng ta có thể đào sâu nghiên cứu thôi...”

Đoạn, Nguyễn Đông Thanh lục lại toàn bộ trí nhớ, lại vận dụng cả điện thoại di động lên mạng để tr.a cứu, “mở lớp” giảng cho đám người phủ Khai Phong những kiến thức cơ bản cần thiết về sóng âm, bước sóng, nhận và truyền tín hiệu phát thanh, cũng như nguyên lý cơ bản của loa phường. Thậm chí, những chỗ gã sợ bản thân mình giải thích không đủ dễ hiểu thì còn lên mạng tìm kiếm video bài giảng trực tuyến, bật lên cho mọi người cùng xem.

Buổi học kéo dài đến đầu giờ chiều, mọi người mới lục tục kéo nhau đi ăn trưa. Ăn xong, tất cả lại vào thư phòng tiếp tục nghe Bích Mặc tiên sinh giảng về đạo đức ngành báo chí cũng như tiêu chí của người làm báo. Về phần này, Nguyễn Đông Thanh nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng quyết định mượn lời Bác trong các bài viết về ngành báo cũng như bốn câu hỏi của Người dành cho người viết. Đương nhiên là gã có nói rõ mình trích lời ai, song liệu đám người nghe có tin hay không thì cũng khó nói.

Bích Mặc tiên sinh của chúng ta đương nhiên cũng biết ngành báo ở Địa Cầu ở thời hiện đại đã biến tướng ra sao trong thời đại số. Nên hắn lại càng thấy trách nhiệm phải đặt nền móng một cách tử tế cho nó tại Huyền Hoàng giới. Sau này, trong quá trình phát triển tự nhiên, có thể báo chí tuyên truyền ở đây cũng sẽ biến chất như tại Địa Cầu, song ít nhất lúc này, hắn vẫn mong ngành này có thể phục vụ đúng mục đích ban sơ của nó.

Tất cả mọi việc bàn bạc xong xuôi thì cũng đã xế chiều. Nhân sự phủ Khai Phong như thường lệ chia nhau ra mà hành động. Hồng Đô lại cất công về cổ viện một chuyến, lấy thêm các tài liệu chuyên sâu cần thiết khó tìm trên mạng mấy người cần sử dụng. Trong lúc chờ đợi cô nàng trở về thì Cố Văn, Long U cùng Dư Tự Lực kéo nhau đi bàn bạc xem tờ báo đầu tiên cần có những nội dung gì, viết ra sao cho dễ hiểu, còn Lã Vọng Thiên và Hàn Thu Thủy tạm thời ôm cái điện thoại di động đi nghiên cứu sâu hơn về sóng âm và “loa phường”.

Nguyễn Đông Thanh sau khi bàn giao hết công việc nghiên cứu, thực hiện ý tưởng cho cấp dưới thì cũng tiếp tục lo giải quyết công văn. Có lẽ thời nào cũng vậy, việc gì cũng thế, công việc giấy tờ luôn là một thứ mệt mỏi nhưng cần thiết...

oOo

Lại qua mấy ngày, phủ Khai Phong lần nữa có khách quý tới thăm...

Người tới là Vu trưởng lão của Vọng Thiên lâu cùng năm lão già – ba nam hai nữ – ăn mặc quái dị. Lúc được Lã Vọng Thiên dẫn vào, ấn tượng đầu tiên của Nguyễn Đông Thanh về năm người này là:

“Năm anh em siêu nhân phiên bản phim kinh dị à?!”

Cũng khó trách Nguyễn Đông Thanh lại có liên tưởng như vậy, năm người này tóc đều để xõa bù xù, quần áo cũng lôi thôi lếch thếch, lại... “mỗi người một màu”.

Ba nam thì:

Một người râu dài đến bụng, cả người từ râu tóc đến quần áo đều một màu trắng cháo lòng;

Một người tóc đen, da cũng ngăm đen, quần áo cũng đen xì xì, cảm tưởng nếu người này đứng trong bóng tối sẽ trở thành vô hình;

Người thứ ba hói đầu, ria mép màu hung đỏ để dài đến ngực, lại vận một bộ áo đỏ thẫm.

Hai nữ thì:

Một người từ tóc đến váy đều xanh như nước biển, nhưng lại là biển ngày bão – cho người ta cảm giác đục ngầu và dữ dội, chứ không hề bồng bềnh và trong trẻo;

Người còn lại đầu vấn khăn, mặt che mạng – đóng gói còn kín hơn các bà các cô mặc áo chống nắng đi xe máy ngoài đường – nên cũng không rõ tướng mạo ra sao, nhưng từ khăn, mạng che mặt, đến váy trên người đều độc một màu vàng.

Thành thử, Vu trưởng lão của Vọng Thiên lâu ngày thường ăn mặc không được đẹp đẽ, chỉnh tề cho lắm nay vì đứng cạnh năm người này lại tự dưng biến thành chỉn chu, bình thường, dễ nhìn nhất...

oOo

Trong giai đoạn gần đây và sắp tới, truyện sẽ đi vào một giai đoạn gọi là đại tranh chi thế (hint từ arc Kiếm Vực), nên nvp xuất hiện rất nhiều, cũng có ảnh hưởng lớn đến cốt truyện chính. Nếu phải so sánh thì đây là giai đoạn “trước đại chiến Xích Bích”, “trước Cơ Xương rời Triều Ca” của truyện. Nên anh em nếu còn theo dõi thì cứ sử dụng phần "nhân vật" của truyenyy để tr.a cứu cho tiện.

Anh em ai đọc thấy hay thì like, comment, và đề cử ủng hộ nhóm tác giả ạ! Nếu truyện được ủng hộ nhiều likes mà tồn cảo đủ, nhóm tác sẽ cố gắng đăng nhiều chương hơn mỗi tuần!

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện