Vào ngày 8 tháng 10, vua Arslan đã đánh bại quân Mirs trên sông Tigris và quay về kinh đô trong sự hân hoan. Arslan đi qua cánh cổng thành và được chào đón bởi tể tướng Lucian, eran Kishward và tướng trấn giữ kinh thành Jaravant. Trời đã tối, dân chúng thắp đuốc ca ngợi chiến tích của nhà vua. Rạng sáng ngày 9 tháng 10, Arslan lại dẫn quân về phía đông. Quả là một vị vua bận rộn.

Có người đồn rằng ngay khi Arslan về tới cung điện, tể tướng Lucian lại lần nữa thuyết phục chàng thành hôn. Arslan rời đi với vẻ không vui. Quả thực năm nay chàng đã 18 tuổi, đến tuổi cân nhắc lập hậu. Nếu chàng không kết hôn và sinh con thì ai sẽ thừa kế ngai vàng. Lucian và những cận thần khác mong đợi một vua Arslan đệ nhị, nhưng Arslan lại nhiều lần khước từ.

Sự thật là Arslan rời cung với một lý do hoàn toàn chính đáng : Pars tổ chức lễ hội săn bắn hoành tráng ở cách đồng hoang Shahlistan để chào đón vị vua láng giềng Sindhura. Shahlistan là một bãi săn lớn ở Pars. Vào tháng 5 năm 321, cũng chính trên bình nguyên hoang vu này, quân Pars đụng độ quân Lusitania, dẫn đến trận chiến thành Saint Emmanuel. Quân Lusitania chẳng khác nào thú săn mặc áo giáp dưới kiếm của kỵ binh Pars. Trận chiến đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giải phóng vương quốc.

Không chỉ với người Pars mà với bất cứ quốc gia nào có nền văn minh cưỡi ngựa, săn bắn là sự kiện hết sức quan trọng. Đó không chỉ là nơi binh lính rèn luyện mà còn là nơi triều đình cử hành các nghi thức ctôn giáo, là nơi diễn ra các sự kiện ngoại giao. Từ thời vua Gotarzes cai trị, các vị vua từ 6 quốc gia đã được mời tới cùng dự hội săn để kỷ niệm lễ chúc mừng sự hòa bình thịnh vượng của Đại lục vương lộ, đồng thời tuyên thệ giữ mối bang giao.

Thật không may, lời tuyên thệ đó đã không duy trì được bao lâu. Sau hội săn, Pars gây chiến với các nước láng giềng, khiến máu chảy thành sông. Nhưng chiến tranh cũng không kéo dài mãi, và mục đích thiết đãi vua Rajenadra đệ nhị lần này là để gia hạn hiệp ước hòa bình đã ký 3 năm trước.

Cho nên Arslan chỉ nghỉ lại trong cung điện 1 đêm, đón nhận sự tung hô của người dân trên sân thượng, sau đó lập tức lên đường đến Shahlistan vào sáng sớm.

Cung điện từng nguy nga lộng lẫy đã thành đống đổ nát do sự cướp bóc, đốt phá của quân Lusitania. Rồi lại chính quân Lusitania trùng tu nó, biến nó thành tổng hành dinh của họ. Sau khi lên ngôi, Arslan cũng dành 3 năm tu bổ nên hiện giờ, hoàng cung Pars đã lấy lại vẻ uy nghiêm ban đầu, ít gì cũng xứng đáng là cung điện hoàng gia của một nước lớn. Arslan không ưa sự xa xỉ, nhưng để ổn định lòng người sau chiến tranh thì cũng cần trang hoàng ở mức độ nào đó.

Dọc con đường nơi Arslan hành quân, cứ 2 farsang người ta lại xây một tháp đèn hiệu. Khi giặc ngoại xâm đánh tới, các pháo đài ở biên giới quốc gia sẽ cho dân vào tị nạn, đồng thời đóng cổng cố thủ. Mặt khác, các trạm đèn dọc con đường sẽ lần lượt được tháp sáng, báo tin về kinh đô hoàng gia để đội kỵ binh lập tức tiến quân, chi viện cho biên giới. Thời gian truyền tin chỉ mất nửa ngày. Đây là hệ thống liên lạc mới do phó tể tướng Narsus đề ra. Khi Mirs kéo quân sang, hệ thống này đã phát huy hiệu quả.

Dù Pars là một nước có quân đội hùng mạnh nhưng họ mất đi nhiều lính tinh nhuệ cùng tướng lĩnh tài ba trong cuộc xâm lăng của Lusitania. Sau trận chiến, trước hết cần vực dậy nền sản xuất, kinh tế trong nước, cho nên làm sao sử dụng hiệu quả số quân còn lại là vấn đề lớn. Không thể để 10 vạn hay 20 vạn quân đóng cố định ở các vùng biên giới để phòng địch tấn công bất ngờ như trước nữa. Tính cơ động là mấu chốt để điều quân đến nơi cần thiết với tốc độ tối đa.

“Mười sáu vị tướng giải phóng của vua Arslan” đều là các chỉ huy kỵ binh. Trước kia, bộ binh Pars toàn là nô lệ. Sau khi bãi bỏ chế độ nô lệ, họ là người tự do. Vì phải trả lương để họ phục vụ trong quân đội nên đương nhiên số quân cũng có hạn.

Ngoài ra, không phải ai trong “mười sáu vị tướng giải phóng” cũng đứng trong hàng ngũ quan lại của triều đình Pars. Chẳng qua khi các thi sĩ đời sau ca ngợi “Vua giải phóng cùng các chiến binh anh hùng”, họ sẽ đề cập đến 16 người này. Khi họ hỏi khán giả rằng “Có biết tên 16 vị tướng không?”, khán giả sẽ đọc tên từng người một.

“Dariun, Narsus, Gieve, Farangis, Kishward, Kubard....” và cuối cùng là “Elam.” Sở dĩ Elam được xếp cuối vì anh là người trẻ nhất trong số 16 vị này. Tuy nhiên, thực chất vào tháng 10 năm 324, chỉ có 16 vị tướng dưới quyền Arslan mà thôi. Bọn họ vẫn chưa tề tựu đủ. Trong số họ, Jaswant đến từ Sindhura, Jimsa đến từ Turan. Ngay cả các tướng lĩnh nước ngoài cũng sẵn sàng chiến đấu để phụng sự vua Arslan.

Người lớn tuổi nhất trong “Mười sáu vị tướng giải phóng” là Kubard một mắt. Mùa thu năm 324 lịch Pars, anh đã 35 tuổi. Như vậy, đáng lẽ anh ta phải đóng vai trò ngoại giao quan trọng mới phải. Nhưng bản thân Kubars không hề có ý định ấy. Anh ta thậm chí còn khẩn khoản xin giao vị trí eran cho Kishward. Nói đúng hơn, anh buộc phải “nhường” chức ấy cho Kishward vì bản thân “không đủ tư cách”, và chẳng ai có thể bác bỏ nhận định này.

Xét về mặt huyết thống, Kishward cũng là người có dòng dõi nhà binh danh giá nhất ở Pars. Anh nói “Dariun mới là tướng lĩnh đóng góp nhiều công sức nhất cho cuộc giải phóng” và kiên quyết từ chối chức eran. Nhưng Dariun cự tuyệt lòng tốt của Kishward vì anh còn trẻ và non kinh nghiệm với tư cách chỉ huy kỵ binh. Thế là dưới phán quyết của Arslan, Kishward trở thành eran mới và thống lĩnh các tướng sĩ trên cả nước.

Vì ba vị tướng không giành nhau ngôi tướng quân nên người đời đều nhận xét Dariun và Kubard không có tham vọng. Điều này cũng đúng phần nào, nhưng ý của Kubard là “Tướng quân thì phải gánh trách nhiệm của cả một hệ thống quân đội, quá phiền phức, ta xin kiếu.” Còn Dariun thì muốn được xông pha tiền tuyến, đón đầu quân địch hơn là đứng sau chỉ huy. Dù thế nào đi chăng nữa, đầu não của quân Pars vẫn là ba vị này. Dariun lẫn Kubard đều như các “eran không chính thức” bên cạnh Kishward.

Quân Lusitania, Sindhura và Turan đều đã thấm thía sự dũng mảnh của Dariun. Riêng quân Mirs thì từng nghe danh nhưng chưa tận mắt chứng kiến. Lần này đã khác, “Chiến binh của các chiến binh” xứ Pars đã lấy đầu mãnh tướng Kalamandis, buộc Masinissa bỏ chạy, đã trở thành “Nỗi sợ hãi màu đen” đối với quân Mirs.

“Ta không mạnh hơn được nữa nhưng Dariun thì vẫn dũng mãnh hơn mỗi ngày.” Kubard nói, và quả thực Dairun không ngừng trau dồi bản thân qua từung trận chiến.

Dariun chưa thành hôn. Anh có dinh thự bên ngoài cung điện nhưng do được gọi vào hầu triều nửa năm trong cung nên anh thuê một cặp vợ chồng nô lệ già đã được thả tự do về trông coi dinh thự cho mình. Đôi khi anh cũng ghé kỹ viện nhưng không qua lại thường xuyên với người phụ nữ nào. Narsus cũng vậy, nhưng Narsus thì có Alfarid đi cùng.

Alfarid đã bỏ thói cằn nhằn. Năm nay cô hai mươi tuổi, vẫn chưa kết hôn. Ngoại hình cô cũng trưởng thành hơn, mang dáng dấp phụ nữ chứ không còn là thiếu nữ, dáng vẻ mặn mà hơn xưa. Có điều, lời nói lẫn cử chỉ của cô vẫn thiếu nữ tính như trước. Cô cao giọng tuyên bố:

“Không vấn đề gì. Narsus và ta gắn kết với nhau bởi tâm hồn, còn hình thức phàm tục thì thế nào không quan trọng. Tuy mấy năm nay chúng ta chưa tiến triển gì nhưng cũng không cần vội.”

Nhắc đến mối quan hệ với Alfarid, Narsus luôn bị chỉ trích là thiếu quyết đoán nhưng anh không có cách nào bào chữa cho mình. Anh từng nói với Alfarid rằng cần tập trung việc nước việc nhà, không có ý định yêu đương cưới hỏi trong vài năm tới. Anh sẽ không đặt tình cảm cá nhân lên trên trách nhiệm. Alfarid cũng bày tỏ sự cảm thông và sẵn sàng chờ đợi.

“Elam, ta muốn thoát khỏi thế giới trần tục này, đi lang thang đó đây trong cảnh hòa bình. Cho nên ngươi nhất định phải sớm thành nhân tài, thay ta gánh vác.” Narsus nghiêm túc nói. Elam thở dài một cách châm biếm.

“Dù tôi tài hèn sức mọn nhưng sẽ cố gắng. Còn ngài Narsus, tôi không giúp ngài vác cái quả tạ đó đâu.” Thứ gọi là quả tạ, đương nhiên là ám chỉ Alfarid. Narsus nghe xong thì cứng họng. Dariun giả vờ nói.

“Tình cảm là nhất thời nhưng hối tiếc là vĩnh cửu. Chính ngươi nói câu đó mà, đúng không ngài họa sĩ cung đình?”

Mỗi khi được hỏi về chuyện yêu đương, nữ tư tế Alfarid thường nói thế này:

“Tôi là người phụng sự thần Mythra. Thân thể tôi trên mặt đất nhưng trái tim tôi không thuộc cõi phàm. Ngoài ra, tuy tôi nghe hiểu tiếng nói của các tinh linh nhưng lại để ngoài tai lời ve vãn của những kẻ lẻo mép.”

“Đúng vậy. Tiểu thư Farangis nên lắng nghe tiếng hát của tôi, để bụi trần không làm vấy bẩn đôi tai xinh đẹp của nàng.” Gieve vẫn luôn say đắm nữ tư tế như vậy. Farangis lạnh lùng đáp.

“Ồ, mặc quần áo lên thì anh trông cũng giống người đấy. Một kẻ lẻo mép điển hình.’

“Nàng hiểu lầm rồi, tiểu thư Farangis. Tôi là một người đàn ông thành thật, khiêm tốn từ đầu đến chân. Chỉ những cô gái với trái tim trong sáng mới thấy con người thực của tôi.”

“Một cô gái có trái tim trong sáng nhưng đôi mắt mù quáng chỉ là con mồi của kẻ lẻo mép như anh, không hơn không kém. Đáng thương làm sao.”

Cuộc cãi vã của họ lọt vào tai Arslan. Nhà vua trẻ mỉm cười. Chàng mong những người bạn đồng hành của mình sẽ mãi như vậy, dù qua bao nhiêu năm.

“Gần đây hai người có nghe tin gì lạ không?”

Dariun tham gia cuộc nói chuyện. Farangis đáp.

“Đúng rồi, ta nghe nói có một tên trộm mộ bí ẩn xuất hiện.”

“Trộm mộ?”

“Nghe nói Gieve đã đụng độ hắn gần Ecbatana vào hôm kia.” Chuyện là thế này….

(II)

Lăng mộ vua Andragoras tuy không quá trang trọng nhưng cũng không quá giản đơn. Ông được chôn cạnh cha mình, Gotarzes đệ nhị và anh trai Osroes đệ ngũ, trên một ngọn đồi tên Ansilak, cách Ecbatana 5 farsang về phía bắc. Ngọn đồi từng bị bỏ hoang sau cuộc xâm lược của quân Lusitania, nhưng cách đây hai năm, công cuộc trùng ty đã hoàn tất. Dù dáng vẻ lộng lẫy xưa kia không còn nhưng cây cối và bồn hoa đã được sắp xếp lại. Họ thả thêm vài loài chim rằng, khiến nơi đây có dáng vẻ trang nhã, yên bình. Nhiều công trình khác được dựng lên để ngăn người ngoài quấy rầy giấc ngủ vĩnh hằng của các vị tiên vương.

Lăng mộ được các quan chức tận tâm trông coi, chăm sóc. Chức quan này được gọi là “Quản lý lăng mộ”, trên lý thuyết thì ngang hàng với Thư ký triều đình. Công việc của họ không chỉ là canh gác lăng mộ mà còn canh gác những bảo vật được cất giữ trong các đền thờ gần lăng mộ nữa. Vào những sự kiện lớn như “Kỷ niệm 200 năm ngày mất của vua Aludabas”, người đó sẽ chịu trách nhiệm tổ chức các hạng mục lớn nhỏ. Để ngăn kẻ trộm đào mộ cướp kho báu, dưới trướng họ có 200 binh sĩ với trang bị tối tân.

Người giữ chức quản lý lăng mộ dưới triều vua Arslan có tên Ferdas. Ông ta là tộc trưởng của tể tướng Lucian. Dù không được bổ nhiệm nhờ tài năng nhưng ông rất tận tụy với chức trách của mình, coi nhiệm vụ bảo vệ giấc ngủ ngàn thu của các vị vua là niềm vinh dự. Chứ nếu điều ông ta vào một vị trí yêu cầu cống hiến nổi bật thì hẳn là không hợp lý.

Ferdas năm nay 50 tuổi, chưa từng nghĩ tới việc đạp lên người khác để leo cao. Ông chỉ hy vọng sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình, sống an nhàn những năm tháng cuối đời.

Chuyện xảy ra đêm ngày 6 tháng 10 khi Ferdas rời khỏi nhà với chiếc đèn trên tay. Đèn đốt bằng dầu, có vỏ đồng cầm tay. Sau khi kiểm tra lăng mộ một vòng, ông quay về phòng ngủ như thường lệ. Để không làm phiền người quá cố, ông không dẫn theo binh lính nào. Tuy nhiên, trên cổ ông ta có một cây sáo. Hễ có chuyện khẩn cấp, ông chỉ việc thổi sáo và binh lính sẽ kéo đến ngay.

Đêm ấy trăng tròn. Ferdas bước đi chậm rãi, men theo rừng cây tuyết tùng, qua lăng mộ nơi chôn cất vua Gotarzes. Khi đến gần lăng mộ vua Andragoras, sự bình yên bị phá vỡ. Ban đầu, ông tưởng mình gặp phải ảo giác. Nhưng rồi, ông nghe thấy tiếng động. Những con chim đáng lẽ đã ngủ say trong đêm, giờ lại đập cánh một cách bồn chồn. Và những cái bóng đang chuyển động quanh mộ vua Andragoras.

Ferdas cảm thấy ớn lạnh sống lưng, da gà nổi toàn thân. Đầu gối ông run lên, không sao đứng thẳng được, phải dựa vào một thân cây tuyết tùng. Ông không biết nên chạy trốn hay thổi sáo gọi lính đến.

Nếu chỉ là một tên trộm mộ bình thường thì đâu có gì phải sợ hãi như vậy đúng không? Nhưng một luồng khí âm u lạnh lẽo khó tả như sợi dây vô hình trói chặt tâm trí và cơ thể Ferdas. Fersdas sợ sệt nhìn hành vi báng bổ đang diễn ran gay trước mắt mình, dưới tấm lều của màn đêm. Bóng đen kia tiếp tục di chuyển, không ngừng đào bới. Tiếng đất đá bị hất tung cứ thế vang lên, còn Fersas thì dường như đang bị kéo đến một nơi không thuộc thế giới này.

Bất chợt, có người vỗ vai, khiến ông ta sợ suýt chết. Ferdas kinh hoảng quay cái đầu cứng ngắc lại. Dưới ánh trăng là một chàng trai đội mũ, tay cầm kiếm và mặc áo giáp. Dáng vẻ mạnh mẽ nhưng thanh thoát của anh ta khiến người ta liên tưởng đến loài báo tuyết. Trong bóng tối, ông không nhìn rõ mặt người này nhưng giọng nói thì vẫn còn trẻ.

“Ta là Gieve, hiện được Arslan bệ hạ giao cho giữ chức thanh tra. Ta rất biết ơn nếu ngài vui lòng giải thích mọi chuyện rõ rằng.”

Ferdas biết tên người này. Ông vốn không có ấn tượng tốt vì đa số mọi người đều chỉ trích Gieve như sau.

“Hắn giúp dân dập lửa bằng cách gây ra lũ lụt.”

Và chẳng hiểu sao người gặp tai vạ chỉ toàn là nam giới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của anh ta lúc này chẳng khác nào thần thánh ban ơn cho Ferdas.

“Vâng, có người trộm mộ. Nhưng bảo vật đều cất trong miếu thờ chứ không nằm trong lăng mộ. Kẻ đó có mục đích gì?” Ferdas lắp bắp nói. Gieve không đáp, chỉ hơi chau mày trong bóng tối. Anh nấp nửa thân mình sau cây tuyết tùng, cẩn thận quan sát dưới ánh trăng. Vì là cung thủ hàng đầu xứ Pars, thị lực của anh tốt hơn Ferdas rất nhiều.

Thực ra lý do anh xuất hiện ở đây nào phải để thực thi công lý. Ban đầu anh chỉ muốn lang thang khắp nơi tùy hứng, nhưng rồi lại quay về kinh đô tham dự hội săn. Đúng lúc ấy thì lộ phí lại hết, cho nên thân phận thanh tra của nhà vua quả thực có ích. Anh tìm đến nơi quản lý lăng mộ hoàng gia để xin chỗ ngủ qua đêm, rồi tình cờ gặp phải chuyện này.

“Trông thì có vẻ như là một đám người quái đản muốn đào mộ chứ không phải trộm bảo vật. Cứ xem xem mục đích của chúng là gì.” Gieve có suy tính riêng. Nếu ai đó định moi móc những vật quý được chôn trong lăng mộ thì quả là dịp tốt. Người chết cần gì tiền. Bị moi ra rồi còn phải đưa lại quan tài, chôn cất thêm lần nữa, không lãng phí hay sao? Nhưng nếu mục đích của kẻ trộm không phải kho báu thì là gì đây? Ba năm qua, tuy Gieve mang thân phận thanh tra nhưng anh dành phần lớn thời gian chu du khắp nơi, lâu lâu mới về cung diện kiến một lần. Ngay cả Arslan cũng không muốn giữ chân chàng hát rong này trong cung vì thật thú vị khi nghe những câu chuyện ly kỳ anh ta kể sau mỗi chuyến phiêu lưu của mình. Sau khi nghỉ ngơi thoải mái ở Ecbatata, Gieve nhận mức bổng lộc của thanh tra với vẻ mặt vừa lòng, rồi tiếp tục lên đường. Vào tháng 10 năm 324 lịch Pars, anh ta 26 tuổi.

Khi anh bước đi trên con đường đầy ánh trăng, những viên sỏi phát ra âm thanh lách cách. Bóng đen ngừng cử động, tỏa ra đầy tà khí và sự thù địch, nhưng Gieve không sợ hãi chút nào.

“Trộm mộ không phải chuyện gì xấu nhưng tốt nhất là đừng để bị phát hiện. Nếu có người cướp mất thì chẳng phải công sức đều đổ sông đổ bể hay sao?” Những lời này đến từ kẻ chuyên đi trộm của phường đạo tặc. Với một số người, lời của Gieve cũng có cái đúng, hợp tình hợp lý, có sức thuyết phục đặc biệt. Nhưng với đối phương lúc này thì không. Sự thù địch rõ ràng của gã càng lúc càng mạnh. Ferdas núp phía sau chỉ biết cố gắng ngăn cảm giác buồn nôn. Gieve thì chẳng thèm nhăn mày. Anh ta là kiểu người dù lòng nghĩ gì cũng không để kẻ thù nhận ra khuyết điểm.

Chuyện xảy đến trong chớp mắt. Một con rắn phóng vọt khỏi tay tay gã mặc áo choàng đen, lao về phía Gieve. Cùng lúc đó, tia sáng cũng bay ra từ tay Gieve. Một âm thanh chát chúa như roi quất thẳng lên bầu trời. Còn rắn chị chặt làm đôi, cuộn tròn trên mặt đất. Lúc này, kẻ mặc áo choàng đã biến mất như cơn gió, lẩn vào màn đêm.

Gieve định đuổi theo nhưng chợt dừng lại. Anh rút kiếm, nhấc con răn trên mặt đất lên.

Hóa ra đó chỉ là một mảnh vải vô hồn, lượn lờ rơi xuống.

“Có phải chúng là lũ cuồng tín tôn giáo nào đó không?”

Gieve hơi nheo mắt. Hình ảnh kẻ lạ mặt anh từng đụng độ ở thành Peshawar ba năm rưỡi trước lại hiện lên trong tâm trí. Khi ấy, Gieve đã chặt đứt một tay của đối phương, khiến kẻ đó phải nhảy xuống hào nước. Nhưng sau cùng họ vẫn không xác định được nguồn gốc kẻ này.

“Có vẻ như chúng ta mới chỉ cắt đi ngọn cỏ độc chứ chưa nhổ sạch rễ. Rốt cuộc rễ của chúng nằm ở đâu?” Gieve lẩm nhẩm rồi quay lại nhìn Ferdas.

“Nhân tiện, ngài quản lý, ta có chuyện quan trọng muốn hỏi ngài đây.”

“Vâng, ta có thể giúp được gì?”

“Nhà ngài có con gái không?”

“Ta có hai cô con gái, nhưng chúnh đều đã đi lấy chồng.”

“Hả? Thế thì thôi, chẳng lợi lộc gì.”

Gieve chán nản nói. Sau đó anh ta được chiêu đãi bằng rượu ngon, cao lương mỹ vị tại dinh thự của Ferdas. Trải qua một dêm không phụ nữ trên chiếc giường êm ái, anh ta rời đi ngay sáng hôm sau. Ferdas vội phái người đến báo cho tể tướng. Tể tướng Lucian cũng cảm thấy chuyện này rất bất thường, nhưng cũng chỉ có thể trình bày giản lược với vua Arslan. Nói gì đi nữa, chuyện không rõ nguồn gốc, không tiện suy đoán bừa bãi.

(III)

Vua Rajendra đệ nhị của Sindhura lớn hơn Arslan đúng 10 tuổi. Hắn ta giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh ngai vàng với người anh trai cùng cha khác mẹ, lên ngôi trước Arslan nửa năm. Để chiếm lấy địa vị ngày hôm nay, hắn đã mượn “một chút” sức mạnh từ quân đội Pars, sau đó hai bên ký hiệp ước hòa bình, thiết lập tình hũu nghị. Rajendra trở thành “người bạn đáng tin cậy, người anh em không chung dòng máu” của Arslan, hứa hẹn sẽ giúp đỡ Arslan trong tương lai.

Mối quan hệ của họ là như vậy, theo lời Rajendra đệ nhị. Nếu những vị tướng từng cho hắn ta mượn “chút sức” mà nghe thấy, chắc sẽ nổi giận và vặn lại, “Một chút ở đây là 9 phần mười sức mạnh ấy hả?” Tuy nhiên, lúc này những người dân Pars đang nhìn chằm chằm Rajendra. Khắp người đến ngựa của hắn ta được trang trí bởi vô số vàng bạc, châu báu, ngà voi. Hắn chào hỏi Arslan một cách nồng nhiệt, rồi nói chuyện với chàng trai Sindhura tháp tùng nhà vua.

“Jaswand, lâu lắm không gặp. Ngươi ở Pars thế nào?”

“Cảm ơn ngài.”

Jaswant trịnh trọng chào vị vua của quê hương mình nhưng trong lời nói lại đầy vẻ chế giễu. Jaswant đã không rời quê hương nếu như cuộc chiến tranh ngai vàng giữa Rajendra và người anh cùng cha khác mẹ Gadhevi không khiến đất nước bị chia cắt.

“Nếu ẩm thực xứ Pars không vừa miệng, ngươi có thể quay lại Sindhura bất cứ lúc nào. Ta sẵn sàng dành cho ngươi một vị trí xứng đáng với năng lực.”

Rajendra cười ha hả. Lần này hắn dẫn theo 6000 quân lính cùng 12 con voi đến dự buổi hội săn. Về phía Pars thì có khoảng 24000 người, một phần ba là kỵ binh. Rajendra ngắm nhìn cảnh tượng ngoạn mục của đoàn kỵ binh Pars ngay ngắn dàn hàng.

“Thật là đã mắt! Sức mạnh quân Pars quá sức ấn tượng, khiến người ta không dám nhìn thẳng.” Tiếng thở dài của Rajendra hàm chứa lời cảnh báo trong vô thức. Hắn biết rõ quân Pars thiện chiến cỡ nào. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa hắn sợ Pars. Nếu là đồng minh thì lợi dụng sức mạnh của họ, nếu là kẻ thì thì chỉ cần vô hiệu hóa sức mạnh ấy là xong.

Vị họa sĩ cung đình Pars cũng chung suy nghĩ này.

“Chao ôi, người con gái đẹp nhất Đại lục vương lộ đang ở trước mắt ta. Nàng chẳng những có nhan sắc tuyệt trần mà còn mạnh mẽ vô song.” Rajendra đùa nghịch chiếc khăn xếp màu lục bảo trang trí một cách khoa trương trên cánh tay, chào hỏi những người khác. Người hắn ta đang ca ngợi lúc này là Farangis. Cô đáp lại bằng phong thái lễ nghi chuẩn mực nhưng trong đôi mắt biếc lại chẳng có chút xúc cảm nào.

“Nàng vẫn đẹp như xưa. Muốn chiếm được trái tim nàng, chắc ta phải mang đến số châu báu đủ để lấp kín đáy sông Kaveri.”

Rajendra luôn miệng nịnh hót. Tuy nhiên, “Farangis xinh đẹp” chỉ làm ngơ ánh nhìn say đắm của vua Sindhura, nhanh chóng bỏ đi.

“Nếu sắc đẹp là có lỗi thì tiểu thư Farangis là tội nhân thiên cổ.” Gieve từng nói. Ngoài Gieve ra, có vô số người đàn ông muốn tán tỉnh Farangis nhưng không một ai thành công. Một mặt là do Farangis không bằng lòng, mặt khác là do Gieve liều mình ngăn cản tình địch.

Thần mặt trăng trên trái đất

Lạnh lẽo trước bao nhiêu phàm nhân

Dẫu trăm con mắt cùng chú mục

Nhưng không một ai có thể chạm vào

Đây là câu thơ tứ tuyệt thường được người ta xướng lên để nói về Farangis, còn người viết chẳng rõ có phải Gieve không.

Không biết đã qua bao lâu từ lúc bắt đầu hội săn. Arslan cầm giáo đi trước, nhưng bỗng nhiên con ngựa dừng lại. Trong bụi cỏ có tiếng động sột soạt, rồi một con sư tử lao lên. Arslan vung giáo theo bản năng. Sau một tiếng cắt nhỏ sắc bén, vài sợi lông trên bờm sư tử bay lên. Con sử tử đực cuộn tròn ngay trên không, khóe léo tránh được mũi giáo của chàng, đáp bốn chân xuống bãi cỏ. Arslan quay đầu ngựa, cầm giáo đối mặt với nó. Tiếng gầm đầy đe dọa phát ra giữa hàm răng của chúa sơn lâm.

“Đừng để bị uy hiếp.”

Arslan tự trấn an bản thân. Chàng từng nhiều lần cầm kiếm chiến đấu với kẻ thù, nhiều người còn sở hữu sức mạnh khủng khiếp hơn chàng. Lần này cũng thế, dù có sự khác biệt giữa người và mãnh thú, nhưng cũng không ngoại lệ.

“Người không được nghĩ rằng lòng quyết tâm có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về kỹ năng. Nâng cao kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, trước khi đáp ứng được mặt này, giữ bình tĩnh sẽ là bài học đầu tiên.” Arslan từng được Kishward chỉ dạy như thế trong một buổi học kiếm thuật. Chàng nhìn thẳng vào cặp mắt vàng sáng ngời của con sư tử, thả lỏng các cơ cánh tay để đảm bảo ngọn giáo chuyển động linh hoạt. Chàng cần tiêu diệt con thú khổng lồ trước mặt bằng một đòn, còn nếu thất bại thì phải dùng tay trái bảo vệ cổ họng.

Con sư tử lại lao lên. Cánh tay phải của Arslan chuyển động đúng theo mong muốn. Ánh chớp xuyên thẳng qua miệng chúa sơn lâm.

Con sư tử định cắn đứt ngọn giáo của Arslan nhưng bất thành, nó đã bị đâm sâu vào cổ họng. Tiếng gầm đau đớn cùng máu phun ra. Cuối cùng, cơ thể to lớn của sư tử rơi xuống một cách nặng nề.

Arslan lắng nghe tiếng tim mình đập dồn, đồng thời cảm nhận mồ hôi tuôn ướt cả vầng trán. Cánh tay chàng tê rần. Đó là tác động khi sư tử vùng vẫy dưới mũi giáo. Lúc này, nó nằm trên mặt đất với cây giáo đẫm máu nhô ra từ sau gáy.

“Vua shirgir Arslan!”

Hiệp sĩ mặc áo đen hô lên và nhảy xuống khỏi lưng ngựa ô. Anh ta đến gần con sư tử, rút mũi giáo mắc kẹt ra. Máu lại lần nữa bắn tung trên cỏ. Dariun nâng giáo bằng cả hai tay, kính cẩn dâng lên nhà vua đang ngồi trên mình ngựa. Arslan nhận lấy, giương ngọn giáo lên cao trong tiếng hô vang trời của các tướng lĩnh và binh sĩ. Ở tuổi 18, Arslan vinh dự dành được danh hiệu “Vua shirgir cao quý.”

“Ngoạn mục ! Vua Arslan! Thật tuyệt vời !”

Rajendra lớn tiếng khen ngợi, có phần hơi cường điệu. Với hắn ta, cuộc sống cứ như rạp hát của các vị thần, còn bản thân hắn là nhân vật chính, mỗi hành động hắn nói và làm ra đều kịch tính một cách khoa trương. Không biết hành vi ấy có bao nhiêu tác dụng chính trị, hay chỉ đơn giản là trình diễn cho chính mình thưởng thức?

“Chắc ngay cả hắn ta cũng không biết đâu.”

Narsus nhận xét. Anh thấy thật mệt mỏi nếu phải phản ứng lại mọi trò đùa của Rajendra. Giờ biết hắn là kiểu người nào rồi, tất cả những gì anh cần làm là kiên nhẫn một chút.

Dariun cưỡi ngựa ô về phía Narsus, nhìn bóng lưng Rajendra đi cạnh Arslan, đùa cợt.

“Ta cảm thấy con sâu âm mưu trong bụng vua Rajendra bắt đầu ngọ ngậy rồi.”

“Đến mùa giao phối à?”

“Thôi nào, dù sao hắn cũng là vua một nước.”

“Không phải vua của ta, cũng không phải vua của ngươi.”

Trước kia, Dariun từng đảm nhận vai trò đại diện của Rajendra trong trận Thần tiền quyết đấu tại Sindhura. Sau khi trận đấu kết thúc, vương miện thuộc về Rajendra. Dù là ân nhân của Rajendra nhưng sau này, anh vẫn thường hối hận về chiến thắng của mình.

Hội săn kết tiếp tục, ba con sư tử bị giết. Arslan đổi ngựa vì vật cưỡi của chàng mệt mỏi giữa chừng, sau đó lại phi nước đại trên đồng hoang. Chàng không nhận ra mình đang tách khỏi các thuộc hạ, chỉ có duy nhất Azrael bay theo bên cạnh.

Azrael kêu lên một tiếng chói tai để cảnh báo. Đúng lúc ấy, Arslan thấy một đoàn người ngựa lao về phía mình với tốc độ kinh hồn. Bọn họ há miệng phát ra những tiếng la hét vô nghĩa.

Arslan lập tức rút kiếm. Từ năm 14 tuổi đến nay, chàng ngày ngày chinh chiến, số lần đối mặt với kiếm của kẻ thù không thể đếm hết. Cho nên ngay khi phát hiện sự lạ, cơ thể chàng đã phản ứng mà không kịp nghĩ. Arslan nằm rạp xuống, tránh đòn của kẻ đang lao tới, đồng thời chém ngang hông đối phương bằng thanh gươm trong tay. Máu bắn tung tóe dưới cái nắng chói gắt.

(IV)

Sau khi hạ gục một tên, Arslan đá mạnh bụng ngựa, xuyên qua vòng vây. Vẫn còn vài lưỡi đao trắng lóa bám theo vị vua trẻ. Arslan vội băng qua những lùm cây, vượt qua hàng rào, mau chóng thông báo cho những người bạn đồng hành của mình.

“Có kẻ ám sát!”

Đây là câu nói mà mọi người dân sống trên Đại lục vương lộ đều nghe hiểu. Quân Pars lẫn quân Sindhura ở hai bên sườn núi đều sực tỉnh. Thuộc hạ thân cận nhất của Arslan là Elam. Anh chàng đảo mắt, lập tức phát hiện ra những sát thủ không tìm đến đây để săn bắn.

“Bệ hạ!”

Elam ngồi thẳng dậy, tiếp tục truy đuổi. Sau khi xác nhận Elam chỉ mặc trang phục thông thường, không phải chiến giáp, sát thủ bèn ném mạnh cây cung về phía anh. Elam gạt nó đi bằng kiếm. Sát thủ cũng nhân khoảnh khắc ngắn ngủ ấy để rút kiếm ra.

Kiếm của Elam đâm vào khuỷu tay phải của tên sát thủ, đánh gãy khớp. Cổ tay phải của gã chỉ còn gân và da.

Tên sát thủ ngã ngựa khi tay phải còn cầm kiếm. Ngay sau đó, đồng bọn của gã đã bị các thuộc hạ của vua Arslan bao vây. Jaswant rạch cổ một tên, tên khác Alfarid đâm một nhát chí mạng vào cuống họng, tên còn lại bị Dariun đâm xuyên lồng ngực. Tất cả bị giải quyết trong chớp mắt.

“Bệ hạ, người không sao chứ?”

“Không sao, ta không bị thương.”

Arslan đáp, đồnh thời nhiệt thành cảm ơn những người đồng hành của mình. Narsus và Gieve cũng cưỡi ngựa đi tới nhưng kẻ ồn ào nhất là Rajendra. Những món trang sức vàng ngọc lóa mắt trên con ngựa của hắn leng keng theo từng bước đi.

“Trời ơi, chúng dám ám sát vua Pars. Đúng là một lũ vô pháp. Nếu có bất mãn gì với Arslan bệ hạ thì sao không nói công khai đi.” Hắn liến thoắng nói. “Ngài chớ lo, vua Arslan. Dù Pars có là kẻ thù của ngài, Sindhura cũng vẫn là bạn của ngài, một người bạn đáng tin cậy hơn bất cứ ai.”

Dariun thật sự chối tai lắm rồi nhưng anh vẫn phải tuân thủ nghi thức với quốc khác nên đành giữ im lặng. Còn Arslan thì khách sáo nói.

“Ta xin nhận lòng tốt của ngài, vua Rajendra.”

Arslan nở nụ cười trên môi. Dường như từ khi sinh ra chàng đã thành thạo kỹ năng ngoại giao một cách tự nhiên. Dù sự xuất hiện của lũ sát thủ gây ra vài xáo trộn nhưng vì chúng không đạt được mục đích nên hội săn vẫn tiếp diễn.

Sau khi xử lý xong thi thể của lũ sát thủ, Rajendra đã bỏ con bạch mã, thay vào đó là cưỡi lên lưng voi trắng. Voi thường được dùng trong các nghi lễ săn bắn ở Sindhura. Con mồi của họ không phải sư tử mà là hổ, tuy nhiên nhà vua được đặc quyền cưỡi voi.

Rajendra tìm được chú voi trắng này sau khi lên ngôi và vô cùng yêu thích nó, một chú voi ngoan hiền. Tuy nhiên, khi Rajendra đang ngồi trên chiếc lọng xa hoa thì voi bỗng gầm lên như điên dại.

Vật cưỡi của vua Rajendra đệ nhị bắt đầu chạy loạn xạ. Mặt đất rung chuyển ầm ầm, bụi bay cao hơn đầu người. Binh lính Pars và Sindhura vội vã tránh đường. Một người lính bộ binh Sindhura không may chậm chân, bị voi giẫm chết.

“Cứu ta! Mau cứu ta! Ai cứu được ta nhất định sẽ được vua Arslan ban thưởng!” Rajendra hét trong khi cố hết sức khống chế con voi. Trước tình cảnh ấy mà hắn vẫn có thể thản nhiên yêu cầu Arslan chi tiền thưởng. Các tướng sĩ Pars không khỏi trợn mắt nhìn nhau.

“Tên này có chết ta cũng chẳng tiếc.” Narsus cười khổ. Elam nghiêm túc nói.

“Nhưng mà để quốc khách rơi vào tình thế nguy hiểm như vậy thì danh tiếng của Arslan bệ hạ sẽ bị tổn hại mất.”

Narsus nghĩ chẳng có lý do gì để cứu Rajendra. Nếu Rajendra chết, Narsus sẽ phải cân nhắc lại cách tiếp cận và chính sách ngoại giao với Sindhura. Rajendra không phải bạo chúa ở đất nước của hắn. Với tính cách cởi mở, phóng khoáng, hắn được người dân vô cùng yêu mến, sự cai trị cũng tương đối ổn định. Tình trạng hiện thời không tồi với cả Arslan và Pars.

Vị tướng với biệt danh Faruhadin – đứa con của sói, một chàng trai trẻ và can đảm tên Isfan đã nhận được lệnh của vua Arslan, liền nhảy lên lưng ngựa, lao tới cứu vua Rajendra. Theo sau anh ta là khoảng 20 thuộc hạ. Bốn người và ngựa giăng ra một tấm kưới dài chừng 10 gaz ở nhiều hướng, mỗi người cầm một góc. Loại lưới này dùng để khống chế những con thú nổi điên, nhưng giờ lại được dùng để đỡ khi Rajendra nhảy khỏi lưng voi. Cưỡi ngựa bên cạnh voi trắng, Isfan hét lớn với vị vua trẻ xứ Sindhura.

“Rajendra bệ hạ, xin hảy nhảy xuống tấm lưới, chúng ta sẽ đỡ ngài.” Ngay cả Rajendra cũng không có cách nào khác để rời khỏi đó an toàn. Sau một hồi do dự, hấn đành nghiêng người khỏi ghế lọng. Đội quân do Isfan chỉ huy đã căng rộng những tấm lưới.

Rajendra nhảy. Hắn tung mình trên không, rơi xuống tấm lưới. Tấm lưới rung chuyển dữ dội nhưng cuối cùng cũng thành công đỡ lấy vị vua trước khi hắn ta chạm đất. Con voi trắng bỏ chạy, để lại làn bụi khổng lồ. Binh lính Sindhura vội vàng đuổi theo. Rajendra không bị tổn hại, thở phào nhẹ nhõm và nhảy khỏi lưới. Đúng lúc này, một người Pars bất ngờ lao ra khỏi đám đông, siết chặt Rajendra từ phía sau, rút dao kề cổ hắn.

“Ngươi làm gì vậy!”

Isfan đặt tay lên chuôi kiếm. Đối phương quát lên, cặp mắt trông rất khác lạ.

“Cấm cử động. Nếu muốn cứu mạng vua Sindhura thì giao gươm báu Rukhnabad ra đây!”

“Đổi gươm báu Rukhnabad lấy cái đầu vua Sindhura ra! Nói với vua Arslan như thế!”

Isfan không khỏi phản ứng theo bản năng. Không chỉ với anh ta mà với mọi tướng lĩnh xứ Pars, tính mạng vua Sindhura còn chẳng bằng mảnh sơn trên bao kiếm Rukhnabad. Chẳng qua họ phải cứu Rajendra vì Arslan ra lệnh như vậy.

“Nếu không giao Rukhnabad, ta sẽ giết tên này, sau đó tự sát!” Con dao găm của tên sát thủ hướng vào cổ họng Rajendra. Mũi kiếm sắc mỏng bắt đầu đâm vào da thịt.

Rajendra hoảng hồn:

“Này những người Pars kia, mau đi thương lượng với Arslan bệ hạ! Nói với anh ta rằng nếu muốn đêm tối ngủ ngon thì phải cứu mạng người bạn thân của mình.”

“Vua Rajendra là đồng minh của chúng ta, mạng sống của ngài ấy là vô giá.”

“Giao Rukhnabad ra đây!”

Arslan rút thanh kiếm treo bên hông. Narsus và Dariun chấn động trong giây lát, còn Elam im lặng ngăn cả Isfan đang định can ngăn.

Arslan ném thanh kiếm về phía tên sát thủ. Hắn hét lên phấn khích, vươn tay cầm lấy.

Ngay lúc đầu ngón tay hắn chạm được vào bao kiếm, sắc mặt liền thay đổi. Miệng hắn há hốc, định hét lên, nhưng rồi chỉ phát ra được một tiếng kêu phẫn nộ và đau đớn trước khi ngã xuống. Một mũi tên đâm sâu vào ngực hắn, và tác giả của nó là Gieve. Thanh gươm rơi lên thi thể tên sát thủ. Đó chỉ là một thanh kiếm bình thường chứ không phải Rukhnabad. Để thu hút sự chú ý của kẻ địch, Arslan bất ngờ thể hiện khả năng diễn xuất phi thường. Nhìn tên sát thủ đã chết và không còn khả năng gây hại nữa, Dariun thì thầm với Narsus.

“Tên này trông quen quen. Hình như hắn là con trai của một quý tộc. Liệu hắn bất mãn với chế độ mới, hay là bị ai đó xúi giục?” Dairun cau mày nghĩ ngợi.

“Arslan bệ hạ, cảm ơn ngài ra tay giúp đỡ. Trí tuệ của ngài vô cùng sáng chói.”

Arslan chỉ lịch sự đáp lại lời khen của Rajendra nhưng trong lòng không vui. Dù không có lựa chọn nào ngoài làm thế nhưng hành vi dối trá ban nãy không phù hợp với phong cách cá nhân của chàng. Hơn nữa, sự cai trị của chàng bị chối bỏ theo cách này, khiến chàng hết sức buồn lòng.

“Điều tra cẩn thận ngọn ngành. Ta giao nhiệm vụ này cho ngài Isfan.” Nghe giọng Narsus, Arslan giật mình, lấy lại tinh thần. Narsus quỳ một chân xuống bên thi thể tên sát thủ. Elam cũng giúp thầy mình. Narsus lẩm nhẩm không rõ với chính mình hay với Elam.

“Dù có kẻ đứng sau giật dây, miễn là các chính sách của Arslan bệ hạ đi đúng hướng thì chúng không bao giờ đạt được mịch đích. Sợ bị người khác phản đối rồi không dám thực hiện lý tưởng của mình mới là điều đáng sợ.” Rồi Narsus gọi người học trò yêu quý, “Elam.”

“Vâng.”

“Con người ta không thể nắm bắt mọi sự trên đời. Nhưng ta nghiêm túc nhắc nhở ngươi, đừng để kẻ ác lợi dụng sự bối rối nhất thời đó mà lợi dụng mình.”

Narsus ra lệnh cho Elam vứt xác tên sát thủ. Sau đó, con voi trắng cũng được tìm thấy. Một loạt những chuyện không may liên tiếp xảy đến khiến vầng trán Arslan cũng trở nên âm u.

Sau khi hội săn kết thúc, mọi người quay về đội hình. Narsus hỏi Arslan một chuyện không mấy liên quan đến sự cố hồi trưa.

“Người sẽ làm gì nếu các nô lệ của vương quốc Mirs trốn thoát, vượt sông Tigris và nhờ cậy người tấn công Mirs, giải phóng nô lệ ở nước họ?” Dù đây chỉ là giả thuyết hoang đường nhưng Arslan vẫn nghiêm túc suy nghĩ. Dariun nói “Đó là điểm mạnh của bệ hạ, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể biến thành điểm yếu.”

“Dù họ thật đnág thương, nhưng tiếc rằng ta không thể đồng ý. Ta phải tránh cuộc chiến tổng lực với Mirs bằng mọi giá.”

“Tốt. Vậy người sẽ làm gì với những nô lệ trốn sang đây?”

“Cho họ chút đất đai và nhà cửa để cư trú tạm thời.”

“KHÔNG.”

Narsus phủ quyết một cách bình tĩnh nhưng gay gắt. Một khi họ đã quyết định duy trì hòa bình với Mirs thì phải thực hiện điều đó thật triệt để. Những nô lệ bỏ trốn sẽ nhận được cái chết ít đau đớn nhất. Đầu của họ được trả về cho Mirs. Chỉ bằng cách đó mới có được lòng tin của nước bạn.

“Giải phóng nô lệ là một cái cớ phù hợp để đi xâm lược, giống như niềm tin của người Lusitania và đấng tối cao Yadabaoth của bọn họ vậy. Họ đã dùng cớ đó để gây chiến với các quốc gia khác, người nhớ không?”

“Ta không muốn xâm lược nước nào cả.”

“Thần biết, nhưng các nước kia nghĩ gì mới là vấn đề.” Pars đã bãi bỏ chế độ nô lệ. Điều khiến các quốc gia láng giềng lo ngại là làn sóng yêu cầu trả tự do cho nô lệ sẽ tràn vào nước họ, gây nhiễu loạn hệ thống xã hội.

“Bệ hạ là người cai trị của Pars, trách nhiệm của người trước hết là duy trì nền hòa bình và trật tự cho Pars. Việc xóa bỏ chế độ nô lệ là biểu trưng cho công lý, nhưng nếu công lý của quốc gia này bị áp đặt lên quốc gia khác thì sẽ gây ra hỗn loạn và đổ máu.” Narsus lắc đầu.

“Công lý cũng như rượu, tuy khiến người ta say sưa và thoải mái, nhưng một khi uống quá nhiều thì sẽ tổn hại bản thân, tổn hại cả người khác.”

Trong khi Narsus giảng giải cho vị vua trẻ, một tiếng kêu bằng ngôn ngữ Sindhura vang lên. Rồi một người lính Sindhura đưa một du khách tới gặp vua Rajendra. Cuộc trò chuyện diễn ra giữa bọn họ với nhau, sau đó Jaswant dịch lại cho Arslan với vẻ lo lắng.

“Có tin khẩn từ thủ đô Sindhura. Hình như Turk bất ngờ dấy quân tấn công từ thượng nguồn sông Kaveri.”

(V)

Về địa lý, Turk nằm phía đông vương quốc Pars, phía bắc Sindhura và phía nam Turan. Đó là một quốc gia miền núi được bao quanh bởi những đồng cỏ và cát nóng, tạo thành biên giới với Pars và Sindhura. Những ngọn núi quanh năm tuyết phủ và những dòng sông đóng băng cả ngàn năm, cũng có thung lũng và sông chảy hiền hòa, địa hình vô cùng phức tạp.

Ban đầu, người Turk và người Turan có chung một nguồn gốc, nhưng họ sống đời du canh du cư, tách ra để chăn nuôi. Khoảng 500 năm trước, họ chia thành hai phe, tranh giành vị trí tộc trưởng. Phe bại trận bị trục xuất và phải rời thảo nguyên, vào thung lũng. Dù núi non nơi đó cằn cỗi nhưng đất đai ở các thung lũng lại tương đối màu mỡ, có nguồn muối và bạc dồi dào. Nhờ đó, Turk tìm được nơi định cư, sức mạnh quốc gia cũng được nâng lên nhiều. Họ thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước khác, thậm chí còn từng liên minh với Sindhura và Turan để xâm lược Pars. Trong khoảng 4, 5 năm gần đây, họ ngừng các hoạt động đối ngoại, củng cố biên giới, tự cô lập mình. Pars không có dư lực lượng để thăm dò nội tình Turk, nhưng có lẽ họ cũng biết ở Turk đang diễn ra một cuộc tranh đoạt ngai vàng khốc liệt.

Kết quả là đương kim quốc vương Kalhana vẫn giữ được ngai vàng. Tuy nhiên, trong thời gian này, Kalhana không để các nước khác tình hình hỗn loạn trong nước, điều đó thể hiện ông ta là người rất tài năng.

Sau thời gian dài như vậy, cuối cùng Turk đã động binh. Hơn nữa, chúng còn ra tay đầu độc nước sông ở thượng ngồn sông Kaveri, khiến vô số người và cừu mất mạng.

“Đầu độc thượng nguồn để đạt mục đích sao?”

Rajendra hét lên đầy phẫn nộ, mặt đỏ bừng bừng. Tuy là một kẻ xảo quyệt, trơ trẽn nhưng hắn không phải người độc ác nên khi hay tin, hắn vô cùng tức giận. Nhưng hắn hành xử như vậy cũng là có mục đích cả.

“Arslan bện hạ, Sidhura và Pars là đồng minh. Đã là đồng minh thì phải cùng chống lại kẻ thù chung. Tới nước này, việc chung ta thảo phạt Turk không phải bằng chứng cho tình hữu nghị sao?”

Dù Arslan biết các thuộc hạ nháy mắt ra hiệu với mình, nhưng chàng vẫn đáp, chủ yếu vì không đồng tình với hành vi của Turk.

“Đầu độc sông Kaveri sẽ gây hại cho những người nông dân nước ta đang khai hoang ở vùng đó. Sớm muộn gì cũng phải thương lượng với Turk thôi, nhưng trước mắt phải buộc chúng lui quân đã. Tập hợp binh sĩ!”

“Arslan bệ hạ, ngài đúng là tri kỷ của ta.”

Hai danh tướng hàng đầu xứ Pars đưa mắt nhìn nhau. Chúa thượng của họ quả nhiên sẽ làm như thế.

Cách cửa sông Kaveri 240 farsang, sông dần thu hẹp lại.

Dù vậy nhưng chiều rộng của nó vẫn từ 50 đến 100 gaz, có bắn tên cũng không tới được bờ bên kia. Dưới sự chỉ huy của hai vua, quân Pars và Sindhura rời vùng đồng hoa Shahristan, tiến về phía bắc dọc bờ tây con sông.

“Tháng trước chúng ta vừa giao chiến với Mirs ở ven sông Tigris, tháng này lại đối đầu quân Turk trên sông Kaveri. Không biết tháng tới sẽ đánh với ai và chỗ nào đây? Ôi thật khó đoán.” Dariun nói. Anh không sợ chiến đấu, nhưng anh không thích Arslan đồng hành với vua Rajendra.

“Bệ hạ quá lương thiện.”

Dù nghĩ vậy nhưng anh cũng biết đó chính là điểm mạnh của Arslan. Dariun không muốn phân tích xem liệu Arslan có quá cố chấp hay không. Dù sao miễn là còn Narsus và anh phò tá thì mọi chuyện sẽ ổn thôi, hiệp sĩ đen quả quyết.

Ngày 15 tháng 10, quân Pars và quân Sindhura chạm trán Turk. Tin này do Elam trinh sát mang về. Họ được biết gần 1 vạn quân Turk đang vội vàng vượt sông.

“Đó là Cổng sắt!”

Dariun giải thích cho Arslan. Trước kia, anh đã từng du hành đến Serica nên khá quen thuộc địa lý biên giới phía đông của Pars. Cái tên Cổng sắt là người dân đặt cho. Những tảng đá khổng lồ màu đen chứa nhiều sắt sừng sững như hai bức tường thành ở hai bên bờ sông. Những khối đá ấy tạo thành vách núi cao hơn 100 gaz, bên dưới là con sông chảy siết, cảnh tượng hết sức hùng vĩ.

Cổng sắt nằm ở điểm giao nhau của biên giới 3 nước Pars, Turk và Sindhura, không có lực lượng nào đặc biệt trấn giữ nơi này.

Cổng sắt không cso cầu, bị chặn lại bởi hai rào chắn thiên nhiên : vách đá và ghềnh thác, việc chiếm giữ là bất khả thi. Tuy nhiên, lúc này quân Turk lại chọn nơi đó để vượt sông tấn công.

Những cỗ máy bắn đá của Turk bắn những tảng đá to bằng đầu người lên giữa không trung. Mỗi khối đá đều được buộc một sợ dây da rất dày. Đá rơi xuống bờ bên kia, phát ra âm thanh nặng nề. Thế là binh lính Turk vượt sông bằng sợi dây da căng ngang lòng sông ấy. Họ dùng một chiếc bánh xe nhỏ trượt trên dây da, một tay treo vào chiếc móc trên bánh xe rồi lần lượt băng qua dòng nước siết. Dù thứ công nghệ này trông hết sức nực cười nhưng sự sáng tạo của nó khiến người ta phải khâm phục. Lính Turk băng qua bằng cách này nhanh hơn hẳn chạy bộ. Chẳng mấy chốc, quân số bờ bên kia đã tăng lên.

Mặt khác, rất nhiều thuyền nhỏ tụ tập trên sông. Lính Turk qua sông bằng đường thứ hai. Rất khó băng qua Cổng sắt bằng thuyền, nhưng họ treo dây xích ngang thung lũng, treo một sợi dây từ thuyền lên dây xích ấy, rồi chèo dọc theo.

“Quả là tính toán tỉ mỉ. Có vẻ như chúng đã có âm mưu này từ lâu rồi.” Rajendra không khỏi cảm thán. Hắn ra lệnh cho binh lính bắn tên vào quân Turk. Trận Cổng sắt bắt đầu.

Đương nhiên quân Turk cũng bắn trả. Họ dùng những mũi tên tẩm độc vô cùng nguy hiểm. Quân Pars và quân Sindhura buộc phải xếp khiên cạnh nhau để ngăn trận mưa tên. Lúc này, Narsus nói với vị vua trẻ.

“Chúng ta không thể tiếp tục giằng co với họ. Dù sau này thế nào cũng phải thắng càng nhanh càng tốt.” Nhà vua không ở kinh đô mà ra biên cương chiến đấu với kẻ thù, chuyện đó mà diễn ra trong thời gian dài thì sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ chính quyền. Hơn nữa, ngay từ đầu đây đã không phải một chiến dịch được lên kế hoạch đàng hoàng, mà bất ngờ chuyển từ săn bắn sang chiến đấu. Họ không chuẩn bị lương thực dồi dào cho 2 vạn binh sĩ. Narsus không thể để một trận chiến tạm bợ như vậy kéo dài quá lâu.

“Xin lỗi Narsus. Lại phiền ngài rồi.” Arslan nói. Narsus mỉm cười, triệu tập Elam, Alfarid, Jaswant và Isfan để đưa và vài chỉ dẫn.”

Quân Turk vượt sông thành công, mau chóng dàn đội hình dưới sự chỉ huy của một vị tướng mặc áo giáp hết sức nổi bật, tấn công bằng ngọn giáo lớn. Arslan không biết tên tuổi đối phương. Hắn ta là Gurab, một tướng lĩnh nổi danh trong quân đội Turk. Quân Pars và quân Sindhura xếp thành hàng rào, vừa phòng thủ vừa rút lui. Trong khi lực lượng trung tâm dụ kẻ thù vào trận địa, Elam cùng 4 người khác dẫn 300 cung thủ phòng lên phía trên. Đầu tiên, họ rưới dầu từ mỏm đá cao xuống thung lũng, làm ướt dây da của quân Turk, sau đó nhắm vào dây mà bắn tên lửa.

Lửa bén dầu, nhanh chóng lan khắp sợi dây. Bàn tay của các kị binh Turk bốc cháy. Khói bay mù mịt. Những tiếng la đau đớn và sợ hãi vang vọng giữa vách đá. Qyân Turk lần lượt rơi xuống. Bên dưới họ là ghềnh thác vỗ vào đá, một khi rơi xuống là chìm nghỉm.

Khi những cây cầu làm từ hàng trăm sợi dây da bị đốt, 3000 quân Turk vừa sang được bờ tây sông Kaveri đã bị cô lập. Đồng đội của họ không thể sang sông cứu họ được nữa nên bản thân không có lối thoát. Arslan yêu cầu họ đầu hàng nhưng bị từ chối, Dariun liền ra lệnh tấn công.

Những nhát chém của Dariun như tia sét bằng thép, hạ gục lính Turk. Jaswant và Isfan theo sau anh ta, xông pha trong đội hình quân địch trên lưng chiến mã, vung kiếm tung hoành. Áo giáp quân Turk làm từ da dê, lưỡi kiếm khó xuyên thủng, cho nên quân Pars không cách nào khác ngoài nhắm vào mặt và cổ bọn họ. Máu tuôn ra, nhộm đỏ vách đá đen.

“Xem ra xông lên cũng chẳng để làm gì.”

Gieve vừa hất tóc vừa quan sát trận chiến. Chàng hát rong quan niệm : Đã xông trận là phải lập công lao hiển hách, thay đổi cả cục diện. Một trận đã nắm phần thắng trong tay thế này không thích hợp cho anh ta ra tay. Farangis cưỡi ngựa đứng cạnh Arslan, lặng lẽ quan sát trân chiến đẫm máu. Bất ngờ, cô cầm cung tên, bắn về phía góc quân Turk.

Tướng Gurab, người chỉ huy đội quân đang đứng trên vách đá, ra hiệu lệnh. Đúng lúc này, từ cách đó 100 bước chân, mũi tên của Farangis bay ra, đánh bật thanh đao khỏi tay ông ta.

Sau đó, Isfan ném thương. Tiếng gió gầm lên khi mũi thương lao đi, đâm vào tấm giáp trước ngực Gurab. Thương bật lại với một âm thanh buồn tẻ. Áo giáo của quân Turk được kết hợp bởi nhiều lớp da dê cùng xích sắt đan mỏng, chặn được đầu thương, nhưng không thể hấp thu hoàn toàn lực va chạm. Gurab thấy xương sườn mình đau buốt, lảo đảo trên phiến đá. Lúc này, Dariun phi nước đại lao đến, túm lấy cổ áo Gurab, quăng ra sau lưng.

Gurab bị ném xuống đất, lính Pars liền trói ông ta lại, Dù rơi vào tình thế nhục nhã này nhưng phải nói ông ta quả thật may mắn khi không chết dưới kiếm của Dariun.

Sau khi Gurab bị làm tù binh, quân Turk mất ý chí phản kháng. Một nửa buông vũ khí đầu hàng, nửa còn lại bỏ chạy dọc bờ sông Kaveri. Quân Pars và quân Sindhura chặt đầu hơn 1000 lính Turk, ca vang khải hoàn.

Gurab được đưa đến trước mặt Arslan và Rajendra. Arslan hỏi vị tướng người Turk với vẻ nghiêm khắc.

“Vì sao các ngươi muốn xâm lược nước ta, tàn hại dân ta? Vua Turk có ý đồ gì? Nói cho ta biết.”

Bất ngờ thay, vị tướng Turk thẳng thắn trả lời rằng chỉ nhận lệnh của vua, mở cuộc tiến công bất ngờ, còn không hay biết gì về động cơ của cuộc chiến.

“Muốn biết thì cứ hỏi quốc vương ta!”

Gurab nói lời này một cách tự hào, ưỡn ngực ra như thể sẵn sàng đón nhận cái chết. Rajendra đề nghị chặt đầu ông ta gửi về cho vua Turk, nhưng Arslan ngăn lại. Dù có giết, Narsus ắt hẳn biết cách giết sao cho hiệu quả hơn.

Chuyện này rất không bình thường. Cho đến trước hôm nay, chưa từng có tiền lệ về hai nước, một ở bờ đông, một ở bờ tây mà lại phối hợp với nhau cùng xâm chiếm Pars. Để thành lập liên minh, họ phải băng qua lãnh thổ Pars để truyền tin, việc này quá mức khó tin. Thế nhưng nó lại xảy ra thật sự? Có phải ngẫu nhiên mà quân Mirs đánh từ phía tây, còn quân Turk đánh từ phía đông không?

“Thật là một năm rắc rối.”

Nữ tư tế Farangis lẩm nhẩm khi nhìn chằm chằm vách đá cao vút của Cổng sắt,
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện